“Voi ơi”… ta bảo voi này!

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắc Lắc) nắng như đổ lửa, mùa khô ở Tây Nguyên như lưỡi hái của “thần chết” gieo rắc nỗi kinh hoàng lên cây cối và muông thú. Đang giữa trưa, đội ngũ cán bộ vườn đổ mồ hôi hột phần vì nắng nóng và hơn hết là chú voi con bị thương cần sự chăm sóc như một đứa trẻ lên ba…

“Blouse trắng” giữa đại ngàn

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn giới thiệu sơ bộ về miệt rừng xa xôi này: Nằm trên địa bàn 7 xã, của 3 huyện thuộc 2 tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 40 km. Đây là nơi duy nhất của nước ta bảo tồn loại rừng khộp, có 63 loại động vật có vú, 40 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư, 464 loài thực vật… Nhưng quan trọng nhất là sự có mặt của voi rừng, một cá thể voi đực chừng 3 tuổi và nặng khoảng 500kg, bị thương nặng ở phần chân trước và vòi.

Không có khuôn viên, TTBTV Đắc Lắc đành phải nhờ đến Vườn quốc gia Yok Đôn làm nơi cứu chữa voi rừng. (Ảnh: Công an  TP Đà Nẵng)
Không có khuôn viên, TTBTV Đắc Lắc đành phải nhờ đến Vườn quốc gia Yok Đôn
làm nơi cứu chữa voi rừng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Anh Thiện kể: “Vừa rồi anh em chúng tôi không có Tết. Phải đóng chốt, túc trực thâu đêm suốt sáng để làm sao đưa được con voi hoang dã bị thương về chăm sóc. Nó bị thương ở chân, hầu như đã mất hẳn móng của một chân, phần vòi bị xé bởi một vết thương khá nặng. Nếu không kịp thời phát hiện và cứu chữa, tính mạng chú voi này sẽ khó bảo toàn vì voi hoang dã thường đi thành bầy đàn, con bị thương sẽ không theo kịp và bị bỏ lại một mình giữa rừng. Bị thương ở vòi voi sẽ không ăn được và cái chết sẽ đến nhanh”. Tối 30 Tết vừa qua, chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa mà anh Thiện cùng các đồng nghiệp của mình vẫn lao vào rừng với lỉnh kỉnh ống kính tê-lê, camera, đèn pin… như nhà báo chiến trường, tất cả vì con voi quý đang bị thương. Những phương án “tác chiến” để đưa được voi rừng về Vườn quốc gia Yok Đôn chăm sóc được đưa ra.

Những “A Ma Công” của bản làng được mời đến để tham mưu cách thức cố định và di chuyển chú voi tội nghiệp về nhà. Ban đầu, kế hoạch luồn rừng ngay trong đêm nhưng rồi phải thay đổi vì tầm nhìn của voi về đêm hạn chế, sẽ xảy ra nhiều trường hợp nguy hiểm trực tiếp đến voi bị thương và đội ngũ “nài voi” bất đắc dĩ. Một đêm thức ròng để cố định voi, không cho nó di chuyển, mờ sáng mới dám xuyên rừng để đưa voi về. Vả lại, voi rừng vốn bản tính hung hăng, khi bị thương thì tăng lên gấp bội. Phải đưa về lúc rạng sáng để tránh sự hiếu kỳ của người dân và xe cộ qua lại làm nó hãi…

Cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn, Phạm Văn Vương Quốc đưa chúng tôi ra phía sau vườn, luồn qua những cây khộp cao ngất ngưởng, nơi đang điều trị cho con voi rừng bị thương. Các anh phải dùng dây thừng cố định voi lại mà nó vẫn cố lồng lộn tìm cách bứt ra. Anh Quốc bảo: “Đưa voi về vườn mới là bước thành công ban đầu. Việc chữa trị vết thương và ăn uống mới nan giải vì khó kiếm ra chuyên gia điều trị vết thương cho voi trong thời điểm này”. Ngay trong đêm các cán bộ phải đi tìm mua ngô non, chuối xanh, mía về cho voi ăn. Những bước sơ cứu ban đầu được chính tay Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn thực hiện.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê của Trung tâm bảo tồn voi (TTBTV) Đắc Lắc, đàn voi hoang dã và voi nhà trên địa bàn đang giảm sút nghiêm trọng. Năm 1980 khoảng hơn 550 con voi hoang dã thì nay chỉ còn từ 70 đến 80 con; báo động hơn, từ năm 2009 đến nay có 17 con voi hoang dã bị sát hại. Còn đàn voi nhà năm 1980 có đến 502 con thì đến năm 2015 chỉ còn 48 con. Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Láng Phó Giám đốc TTBTV  Đắc Lắc cho biết: “Đó là những con số đáng báo động nếu chúng ta không có phương án bảo tồn và phát triển đàn voi, kể cả voi hoang dã và voi nhà”. Anh Thiện bảo: “Sang Malaysia, thấy người ta có hẳn một Viện dưỡng lão dành cho voi khi về già. Đó là mơ ước “xa xỉ” không dễ gì chúng ta có được”.

Trên thực tế, việc triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến tiến độ bị chững lại. Đầu năm 2015, mặc dù đã được Trung ương bố trí vốn, nhưng các ban ngành ở địa phương vẫn chưa hoàn thành để UBND tỉnh Đắc Lắc giao đất cho trung tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ việc bảo tồn voi. Trong công tác bảo tồn, còn có nhiều lúng túng nhất là về việc sinh sản của voi nhà và tránh xung đột giữa người và voi. Với quy mô 200 ha trong chủ trương thu hồi phần đất của Cty TNHH MTV Cao su Đắc Lắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kế hoạch ứng trước cho Dự án  khẩn cấp bảo tồn voi Đắc Lắc 10 tỷ đồng, bao gồm: trụ sở làm việc, khu chăm sóc sức khỏe, sinh sản voi nhà, cứu hộ voi hoang dã… nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Việc chăm sóc voi bị thương có nhiều biến chuyển đáng mừng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Việc chăm sóc voi bị thương có nhiều biến chuyển đáng mừng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Đặc biệt khu sinh cảnh sống dành cho voi hoang dã là 163.000 ha trên địa bàn huyện Buôn Đôn và Ea Súp chỉ mới là khâu khảo sát sơ bộ và đang trình UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt. Theo TTBTV Đắc Lắc, để thực hiện được khu sinh cảnh sống cho voi hoang dã cần một lượng kinh phí tương đối lớn, đây là một điều hết sức khó khăn. Anh Nguyễn Công Chung, PGĐ TTBTV Đắc Lắc là người có kinh nghiệm và kiến thức về voi nhà cung cấp: “Việc sinh sản của voi nhà gặp khá nhiều khó khăn, vì chúng phải có môi trường và khoảng không gian phù hợp. Đến nay, trung tâm đã hướng dẫn các chủ voi về cách thức thực hiện sinh sản ở voi, hiện có 2 cặp voi thả giao phối đang chờ kết quả, một ở H. Lắc và một ở H. Buôn Đôn. Hy vọng khi dự án 200 ha hoàn thành voi sẽ có một khoảng không gian rộng lớn để thực hiện việc giao phối và sinh sản một cách tự nhiên nhất”.

Trong khi chờ đợi các cơ quan ban ngành chuẩn bị kế hoạch để tiến hành những biện pháp bảo tồn loài voi, thì đâu đó trong rừng những con voi hoang dã đã và đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt trái phép, voi nhà vẫn chết vì già và như những thông báo kiểu đại loại… chết không rõ nguyên nhân.