Phát triển thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Tại Hội thảo Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cho các thành phố vùng châu thổ và những lợi ích khi thực hiện do Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết thành phố đang xây dựng và thực hiện Chương trình “TP Hồ Chí Minh phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Cần có nhiều biện pháp làm giảm biến đổi khí hậu để không còn cảnh ngập nước. (Ảnh: Nhân Dân)
Cần có nhiều biện pháp làm giảm biến đổi khí hậu để không còn cảnh ngập nước (Ảnh: Nhân Dân)

Ưu tiên chống ngập nước

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều dự án, công trình nhằm giải quyết vấn đề triều cường, mưa lớn gây ngập úng. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số điểm bị ngập nước khi gặp mưa lớn hay triều cường dâng cao. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, để giải quyết vấn đề này tốt hơn, thành phố đã liên kết với các thành phố châu thổ trên thế giới để trao đổi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm về các vấn đề thích ứng và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ngày một tăng. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã liên kết với 11 thành phố đi đầu trong lĩnh vực phát triển không gian, quản lý nước mưa, nước thải, nguồn nước ngầm… Trong đó, TP Hồ Chí Minh và TP Rốt-téc-đam (Hà Lan) đang hợp tác xây dựng và thực hiện Chương trình “TP Hồ Chí Minh phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ông E.Mô-ét, Giám đốc Chương trình các thành phố thích ứng biến đổi khí hậu (Hà Lan) chia sẻ, đất nước Hà Lan có 60% là vùng bị ngập nước, tương tự huyện Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh. Nếu nước biển tăng cao hơn một mét, toàn bộ đất nước Hà Lan sẽ bị ngập. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao gây ngập úng, từ năm 1980, Hà Lan đã cho xây dựng những công trình đập ngăn lũ, xây hồ chứa nước mưa, nạo vét khơi thông dòng chảy của những con sông, dòng kênh rạch, mở rộng thêm những khu vực ao hồ mới… Tại những khu dân cư ven đường, TP Rốt-téc-đam còn cho xây dựng các bãi đậu xe theo mô hình: Bên trên là bãi đậu xe, phía dưới làm hồ chứa nước (mùa khô bơm nước ra làm nơi vui chơi, mùa mưa làm nơi chứa nước).

Hợp tác chống ngập

Thị trưởng TP Rốt-téc-đam A.Ơ-bao-ta-lép cho biết, TP Hồ Chí Minh và TP Rốt-téc-đam có nhiều điểm chung, trong đó có nguồn tài nguyên nước do thiên nhiên ban tặng và ngày càng gia tăng dân số theo cơ học. Thành phố càng phát triển, người dân ở những vùng khác tìm đến sinh sống ngày thêm đông, sẽ dẫn tới có nhiều tác động ngược làm cho sự biến đổi khí hậu tăng nhanh. Trong đó, phải kể đến vấn đề rác thải, xây nhà cao tầng làm tắc dòng chảy của các con sông, kênh rạch… gây ra ngập úng.

Tại hội thảo này, một đại diện của TP Rốt-téc-đam cho rằng, khi thành phố cho xây dựng nhiều đập lớn ngăn nước mặn, nước mưa, triều cường sẽ làm cho các vùng bên trong của đập bị ảnh hưởng, giảm nguồn lợi thủy sản, thảm thực vật… Hiện nay, Rốt-téc-đam đã điều chỉnh chiến lược quản lý về biến đổi khí hậu bằng việc xây dựng những công trình thích ứng và cân bằng với thiên nhiên. Nâng hệ thống đê đa năng cao hơn bảo đảm tốt việc ngăn nước biển xâm hại vào thành phố. Khơi thông dòng chảy kênh rạch và cải tạo môi trường tự nhiên để nuôi trồng thủy sản kết hợp làm du lịch mang lại lợi ích cho người dân. Bên cạnh đó, TP Rốt-téc-đam còn cho xây dựng những thành phố mới vệ tinh bán tập trung bên ngoài khu vực trung tâm và xây những trạm cung cấp điện gió thích hợp môi trường…

Theo Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Hà Minh Châu, thành phố đang hợp tác với TP Rốt-téc-đam thực hiện chương trình cùng làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, áp dụng phương pháp từng bước tiếp cận chống ngập, tối ưu hóa việc quản lý lưu trữ nước, dành chỗ cho các dòng sông, xây cống ngăn triều và đê bao đa năng bảo vệ khu vực nội thành (các tuyến đê cấp quận, huyện)… Đồng thời, thiết kế lại hệ thống thoát nước, kiến tạo thêm nơi lưu trữ nước mưa, nâng nền các cảng biển và khu nhà dân cư; quản lý chặt việc khai thác nước ngầm làm giảm sụt lún và tìm giải pháp thay thế cho việc sử dụng nước ngầm.

Theo ông A.Ơ-bao-ta-lép, hiện nay, Rốt-téc-đam vẫn tiếp tục điều chỉnh lại những biện pháp phòng, chống biến đổi khí hậu nhằm tìm ra phương pháp thích ứng tốt nhất. Bên cạnh đó, Rốt-téc-đam cũng sẵn sàng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những thành phố châu thổ khác và TP Hồ Chí Minh trong việc tìm ra những phương pháp quản lý an toàn nước thải, an toàn nguồn nước sạch, xây dựng cảng biển, khu dân cư… bảo đảm tính bền vững của những công trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện, Rốt-téc-đam đang hỗ trợ, tư vấn cho TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án quy hoạch tổng thể quận 4 dựa trên nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có việc xây dựng vành đai thủy lợi chống ngập của khu vực; phát triển tuyến đường chính thành những hành lang xanh; giảm thiểu hiệu ứng nhiệt đảo; xây dựng công viên cấp thành phố, quận và khu phố có kèm ao , hồ; phát triển khu phố chợ có hệ thống ngầm trữ nước; xây dựng bờ kênh đa năng nhiều tầng có đường ngầm, cao ốc, khu công nghiệp nhỏ ngăn nước thủy triều…