Mỏ đá gây ô nhiễm nghiêm trọng khu dân cư: Khi chỉ đạo của chính quyền thành phố bị phớt lờ (Kỳ 2)

*Kỳ cuối: Vì sao các mỏ đá chưa chịu di dời?

ThienNhien.Net – Về tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác đá trên khu vực núi Phước Tường cũng như vấn đề cần chấm dứt hoạt động, di dời các mỏ khai thác đá lân cận KĐT Phước Lý đã được chúng tôi đề cập nhiều lần, và như đã phản ảnh ở kỳ trước, từ năm 2012- 2014, sau rất nhiều lần xin gia hạn hoạt động, UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần có các văn bản yêu cầu 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nho Chiến và Công ty CP đá xây dựng Hòa Phát chấm dứt hoạt động khai thác, sản xuất chế biến đá và di dời. Mới đây nhất, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5091/QĐ-UBND (ngày 30-7-2014) và Quyết định số 6381/QĐ-UBND (ngày 8-9-2014) với chủ trương di dời, đóng cửa hoạt động mỏ đá Phước Lý của Công ty TNHH Nho Chiến và mỏ đá Hòa Phát của Công ty cổ phần đá xây dựng Hòa Phát kể từ ngày 31-12-2014.

Trạm nghiền đá của Công ty Nho Chiến đã tập kết đá lấn cả vào trục đường đang thi công hạ tầng của KĐT Phước Lý. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Trạm nghiền đá của Công ty Nho Chiến đã tập kết đá lấn cả vào trục đường đang thi công hạ tầng của KĐT Phước Lý. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Thế nhưng, bất chấp chỉ đạo của chính quyền thành phố cho đến nay đã là đầu tháng 3-2015, 2 công ty Hòa Phát và Nho Chiến vẫn rầm rộ hoạt động khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, người dân sống trong khu vực phải chịu đựng trong nỗi thống khổ triền miên. Các doanh nghiệp khai thác đá tại đây cho rằng, nếu phải dừng hoạt động, di dời đến nơi khác sẽ làm thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khó thu hồi vốn, người lao động mất việc làm… Do đó, doanh nghiệp đề xuất chính quyền thành phố cho tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh… Về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Chấn, Phó Giám đốc Công ty Nho Chiến từng có ý kiến: “Công ty được UBND thành phố cấp phép khai thác Mỏ đá Phước Lý từ năm 2006. Công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng mua sắm thiết bị máy móc, xây dựng hệ thống điện, nhà xưởng, tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động…”. Tuy nhiên lập luận này là không thuyết phục. Cần nhấn mạnh rằng, trong 2 năm qua, TP đã nhiều lần gia hạn để 2 công ty này tiến hành di dời, thế nhưng 2 đơn vị nói trên vẫn viện dẫn lý do này để tiếp tục các hoạt động, không tuân thủ các quyết định của lãnh đạo thành phố.

Với nhu cầu xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn để phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội nâng cao đời sống cho người dân, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt giao Công ty CPĐT Đà Nẵng-Miền Trung làm Chủ đầu tư xây dựng dự án KĐT Phước Lý với diện tích khoảng 50ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Cùng với các dự án khác như Khu TĐC Phước Lý 1, 2, 3, 4, 5, 6… đây sẽ là một khu đô thị rộng lớn phía Tây Bắc trung tâm thành phố có hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, có môi trường sống văn minh, hiện đại với số lượng hơn 10.000 người dân sinh sống. Rõ ràng, xét về mặt tổng thể và lâu dài trong tương lai thì đây là chủ trương rất đúng, phù hợp với quy hoạch và phát triển của thành phố. Việc di dời các mỏ khai thác đá sát bên cạnh một khu đô thị như đã nêu trên là việc làm phù hợp với yêu cầu phát triển, quy hoạch của một đô thị văn minh, hiện đại.

Lãnh đạo Công ty CPĐT Đà Nẵng-Miền Trung cũng cho biết, tính đến đầu năm 2015, dự án KĐT Phước Lý đã có hơn 600 hộ dân nhận đất đã và đang xây dựng nhà cửa, công ty cũng đã dành 200 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng cho thành phố mượn để bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa các dự án khác trên địa bàn từ năm 2011 trở về trước, các hộ dân này đã triển khai xây dựng nhà và ổn định cuộc sống.  Việc hoạt động khai thác, nghiền đá của Công ty Hòa Phát và Nho Chiến gây ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Rõ ràng, tình trạng ô nhiễm môi trường do 2 mỏ đá của Công ty TNHH Nho Chiến và Công ty CP đá xây dựng Hòa Phát gây ra đối với khu dân cư trong Khu đô thị Phước Lý là có cơ sở. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện rất nhiều cho 2 công ty trên khi đã nhiều lần gia hạn việc di dời, đóng cửa các mỏ đá nhưng đến nay vẫn cố tình không chấp hành chủ trương của UBND TP Đà Nẵng. Thiết nghĩ, việc chấm dứt hoạt động khai thác đá tại khu vực hiện nay và di dời địa điểm khai thác, đảm bảo môi trường sống cho người dân vùng lân cận là điều rất đáng được quan tâm. Riêng đối với việc hoạt động hiện nay của Công ty TNHH Nho Chiến và Công ty CP đá xây dựng Hòa Phát là sự cố tình trì hoãn các quyết định của UBND TP đã ban hành về việc di dời và đóng cửa hoạt động các mỏ đá kể từ ngày 31-12-2014. Đề nghị ngành chức năng nhanh chóng kiểm tra và có biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP  Đà Nẵng.