Lồng ghép ĐDSH trong ĐTM và ĐMC: Hiện trạng và kiến nghị

ThienNhien.Net – Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được luật hóa từ năm 1994 trong Luật BVMT đầu tiên của Việt Nam, trong khi quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) được bổ sung trong Luật BVMT 2005 sửa đổi. Từ khi ra đời đến nay, ĐTM và ĐMC đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp BVMT của nước ta. Tuy nhiên, quy trình thực hiện ĐTM và ĐMC hiện vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục, cải thiện, trong đó có việc đánh giá tác động đối với ĐDSH. Bài viết dưới đây xin được phân tích những bất hợp lý, bất cập trong quy định và thực hiện đánh giá ĐDSH trong ĐTM và ĐMC cùng các kiến nghị giải pháp.

Bất cập trong quy định và thực hiện đánh giá tác động tới DĐSH

Đánh giá tác động đến ĐDSH có thể được định nghĩa là một công cụ hỗ trợ quá trình ra quyết định và giúp lập kế hoạch toàn diện nhằm triển khai dự án phát triển đi đôi với bảo tồn ĐDSH. Các văn bản pháp luật hiện nay đều coi ĐDSH là một thành phần của môi trường tự nhiên. Hai văn bản hướng dẫn thực hiện ĐMC, ĐTM là Nghị định 29/2011/NĐ-CP và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT có quy định lồng ghép yếu tố ĐDSH vào quy trình ĐMC/ĐTM và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động đối với các thành phần môi trường tự nhiên, tuy nhiên không có lưu ý về những đặc thù của đánh giá tác động ĐDSH. Thậm chí Thông tư 26/2011/TT-BTNMT còn xếp tác động đến ĐDSH vào loại không liên quan đến chất thải. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nguồn chất thải đã có một số tác động trực tiếp và rất nhiều tác động gián tiếp đến ĐDSH. Trong khi đó, phương pháp đánh giá tác động đến ĐDSH không hề giống các phương pháp đánh giá tác động đến địa hình, địa mạo, cảnh quan. Có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến các báo cáo ĐMC, ĐTM đã được thẩm định và phê duyệt có nội dung đánh giá tác động ĐDSH rất sơ sài, hầu như chưa đạt yêu cầu cung cấp thông tin làm cơ sở để cân nhắc yếu tố ĐDSH khi thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án phát triển.

Ngoài ra, mặc dù các văn bản pháp luật liên quan (như Luật BVMT, ĐDSH, BV-PTR, Thủy sản) đều quy định các dự án có tiềm năng ảnh hưởng đến ĐDSH phải thực hiện ĐTM, song lại không có quy định cụ thể về các nội dung đánh giá tác động ĐDSH và các tiêu chuẩn (hay các tiêu chí hoặc chỉ thị) ĐDSH để so sánh. Trong khi đó, đối với các thành phần môi trường khác (không khí, nước, đất) và các nguồn thải có tiềm năng tác động (khí thải, nước thải, chất thải rắn) hiện đều có QCVN, TCVN tương ứng để so sánh, đánh giá mức độ tác động và giới hạn cho phép cần đạt được để trên cơ sở đó có các giải pháp phù hợp hạn chế ảnh hưởng bất lợi.

Có thể nói quy định đánh tác động ĐDSH trong quy trình ĐMC và ĐTM hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, các báo cáo ĐMC và ĐTM còn rất ít chú ý đến tác động tiềm tàng của dự án đến ĐDSH, các tác động chủ yếu đến ĐDSH hầu như bị bỏ qua, thể hiện qua các khía cạnh sau đây:

Không cân nhắc đúng mức các vấn đề nhạy cảm với môi trường khi lựa chọn vị trí triển khai dự án, đặc biệt không đánh giá khả năng chịu tải môi trường và tính đặc thù của hệ sinh thái.

Tác động đến ĐDSH không được xem xét một cách rõ ràng, đầy đủ và thuyết phục trong quy trình ĐTM. Hiện nay quy trình thực hiện ĐTM không ưu tiên đánh giá tác động đến các đối tượng ĐDSH đặc thù; chỉ tập trung vào các hệ sinh thái cần được bảo vệ mà không chú ý đến các hệ sinh thái không được ưu tiên bảo vệ. Kết quả đánh giá tác động chủ yếu là phân tích, đánh giá tác động trực tiếp (ví dụ tác động từ phát quang, tiếng ồn…) đến các yếu tố ĐDSH, trong khi tác động gián tiếp đến hệ sinh thái mới chỉ dừng lại ở nước thải và chất thải rắn, chủ yếu là đến hệ thủy sinh. Hậu quả của các tác động cũng chưa được phân tích đầy đủ, do đó không đưa ra được các đánh giá về những thay đổi ĐDSH do tác động của dự án so với những thay đổi có thể xảy ra khi không có dự án, và vì vậy không đánh giá được liệu các loài/hệ sinh thái có khả năng thích ứng với những thay đổi trong môi trường sống đến mức độ nào.

Giá trị dịch vụ sinh thái chưa được xem xét đầy đủ, do đó không cung cấp cơ sở khoa học và thực tế để đề xuất phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng và bồi hoàn ĐDSH.

Độ tin cậy/sự không chắc chắn trong các dự báo tác động đến ĐDSH không được thảo luận và đánh giá rõ ràng: Đánh giá ĐDSH mới chỉ ở mức độ chung, không cụ thể ở từng cấp độ (loài, quần thể và hệ sinh thái) nên độ tin cậy của các dự báo chưa đủ thuyết phục. Do kết quả đánh giá tác động không cụ thể và có xu hướng giảm nhẹ (hoặc coi là bất khả kháng) nên các biện pháp giảm thiểu cũng mang tính lý thuyết, không đủ tin cậy về tính khả thi và hiệu quả thành công. Đặc biệt, các biện pháp giảm thiểu tác động đến ĐDSH không được tích hợp với các biện pháp giảm thiểu các tác động khác (như tác động đến nguồn nước, cảnh quan, sinh kế cộng đồng,..) nhằm tránh xung đột giữa mục tiêu của các biện pháp giảm thiểu tác động khác nhau, nếu có.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Khuyến nghị cải thiện đánh giá tác động đến ĐDSH

Từ các kết quả phân tích hiện trạng pháp luật, đánh giá các yếu tố ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và ĐMC của một số lĩnh vực điển hình, có thể rút ra một số nhận xét và khuyến nghị tăng cường hiệu quả đánh giá tác động đến ĐDSH như sau:

Lồng ghép đánh giá tác động đến ĐDSH phải được coi là một cách tiếp cận tổng thể và toàn diện trong quy trình thẩm định các dự án phát triển: Cách tiếp cận này sẽ hỗ trợ giảm thiểu tối đa tác động đến ĐDSH của các dự án phát triển, đảm bảo mục tiêu phát triển được tích hợp với bảo tồn ĐDSH và phù hợp về mặt pháp lý cũng như cung cấp và chia sẻ công bằng những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng ĐDSH. Cần sớm đưa những nội dung cốt lõi về phương pháp tiếp cận đánh giá tác động ĐDSH vào các quy định của Nghị định về ĐMC và ĐTM và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này vì đây là cách làm phổ biến và có hiệu quả nhất hiện nay.

Cần xây dựng và ban hành hướng dẫn điều tra, mô tả hiện trạng ĐDSH trong báo cáo ĐMC và ĐTM: Hiện nay nội dung mô tả hiện trạng ĐDSH trong các báo cáo ĐMC và ĐTM chủ yếu tập trung liệt kê danh mục các loài thực vật, động vật hoang dã, các loài sinh vật được ưu tiên bảo vệ, các loài đặc hữu có trong vùng có thể bị tác động do dự án, song thường sử dụng những thông tin từ các nghiên cứu đã có mà ít khi có khảo sát bổ sung. Vì vậy để nâng cao hiệu quả của nội dung này cần có hướng dẫn cụ thể về phương pháp thu thập số liệu (kể cả thông tin cung cấp từ quá trình tham vấn cộng đồng) và cách thức thực hiện khảo sát thu thập thông tin cập nhật về ĐDSH ở cả 3 cấp độ: loài, quần thể và hệ sinh thái.

Chú trọng việc dự báo tác động đến ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và ĐMC: Để nâng cao hiệu quả của dự báo các tác động đến môi trường khi thực hiện dự án phát triển, trước hết cần sớm xây dựng và ban hành bộ chỉ số ĐDSH quốc gia, làm cơ sở để thu thập số liệu và đánh giá hiện trạng cũng như đánh giá tác động thông qua so sánh mức độ thay đổi ĐDSH so với hiện trạng trước khi thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng các tác động gián tiếp và tác động tích lũy nhiều khi đóng vai trò quan trọng và đáng kể hơn cả tác động trực tiếp từ hoạt động của dự án. Đặc biệt, dự án thường có tác động đến môi trường sống và nơi cư trú, từ đó mới tác động đến loài, quần thể và hệ sinh thái. Việc dự báo mức độ chia cắt của môi trường sống hoặc các quần xã khi thực hiện dự án đòi hỏi dựa trên số liệu khảo sát cập nhật, vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể về phương pháp thực hiện. Đôi khi hoạt động của dự án không dẫn tới mất mát ĐDSH ngay lập tức mà chỉ dẫn tới khả năng làm cho các hệ sinh thái dễ bị tổn thương hoặc thay đổi hơn. Ngoài ra, hiện trạng các loài, các hệ sinh thái và hậu quả của sự suy giảm số lượng loài có thể rất khác nhau theo từng địa điểm. Do vậy thông tin cụ thể theo vị trí có thể có vai trò quan trọng trong việc đánh giá đúng các tác động đến ĐDSH. Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đánh giá tác động ĐDSH cần lưu ý đến việc đánh giá, nhận xét về mức độ chưa chắc chắn của các dự báo và lý giải nguyên nhân. Đồng thời cần lưu ý nội dung đánh giá tác động trực tiếp cũng như các tác động gián tiếp từ hoạt động của dự án đến ĐDSH.

Nghiên cứu ban hành hướng dẫn kỹ thuật riêng về giám sát ĐDSH: Các thông số giám sát ĐDSH cần dựa trên bộ chỉ số ĐDSH quốc gia, đồng thời phải phù hợp với đặc thù ĐDSH của địa phương nơi triển khai dự án. Cần xem xét một số vấn đề trong việc lựa chọn những chỉ số và khu vực được giám sát ĐDSH, bao gồm nhưng không giới hạn ở: quy mô, thuộc tính và những khác biệt về địa sinh học. Nguyên tắc lựa chọn thông số giám sát và tần suất thực hiện cần được đưa vào hướng dẫn kỹ thuật, và tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có lựa chọn phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. Tốt nhất nên xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật riêng (độc lập với hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đến ĐDSH) về xây dựng và thực hiện chương trình giám sát ĐDSH. Dựa trên cơ sở phương pháp luận chung, các dự án phát triển sẽ lựa chọn và xây dựng chương trình giám sát ĐDSH riêng cho dự án phù hợp với khu vực chịu ảnh hưởng.

Cần sớm ban hành quy định cụ thể về tham vấn cộng đồng đối với ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và ĐMC: Quy định về thực hiện tham vấn cộng đồng trong thực hiện ĐTM đến nay vẫn còn mang tính hình thức. Trong thực tế, tham vấn cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khảo sát, nghiên cứu hiện trạng, đánh giá tác động và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến ĐDSH. Đặc biệt, quản lý và bảo tồn ĐDSH với sự tham gia cộng đồng đã được công nhận là biện pháp có hiệu quả nhất, đảm bảo vừa duy trì tính ĐDSH của khu vực, vừa nâng cao sinh kế cộng đồng địa phương. Phương pháp tiếp cận quản lý và giám sát ĐDSH có sự tham gia có thể giúp xác định và giám sát các tác động ĐDSH ở cấp hiện trường, cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên tại địa phương bằng cách tạo ra dữ liệu phục vụ thông tin cho quá trình ra quyết định thông qua công tác quản lý mang tính thích ứng. Hiệu quả giám sát ĐDSH có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng các kiến thức quý giá của địa phương. Dữ liệu do các bên liên quan tại địa phương thu thập và quản lý có thể bao gồm những thông tin cụ thể về địa điểm, bối cảnh và mức độ thay đổi ĐDSH. Từ đó, quản lý và giám sát ĐDSH có sự tham gia có thể giúp ích cho các nhu cầu quản lý địa phương cũng như giúp gắn thay đổi ĐDSH với các can thiệp từ dự án phát triển, điều mà nếu sử dụng dữ liệu viễn thám có thể không đạt được hiệu quả. Vì vậy, ban hành hướng dẫn kỹ thuật tham vấn cộng đồng địa phương về các vấn đề liên quan đến hiện trạng ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái sẽ hỗ trợ đề xuất và thực hiện hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa suy thoái và bảo tồn ĐDSH.

Tiếp cận hệ sinh thái phải được coi là nội dung quan trọng trong phương pháp luận ĐMC và ĐTM: Tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các hệ sinh thái nhằm tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên theo hướng công bằng. Tiếp cận hệ sinh thái có thể được sử dụng để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa việc bảo vệ và sử dụng ĐDSH ở những vùng có nhiều người sử dụng tài nguyên và các giá trị quan trọng của thiên nhiên. Về bản chất, tiếp cận hệ sinh thái trong việc xây dựng và thực hiện các dự án phát triển là hợp tác và phối hợp giữa các lĩnh vực quản lý hệ sinh thái và những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái. Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái là một khái niệm tích hợp có thể hỗ trợ xác định các tác động tích lũy và tác động gián tiếp gây ra tổn thương hệ sinh thái. Tác động tích lũy thường bị bỏ qua trong ĐMC và ĐTM, do đó tiếp cận hệ sinh thái có thể giúp cải thiện điều này và cung cấp phương pháp luận để xem xét tác động tích lũy một cách nhất quán hơn trong ĐMC và ĐTM.

Khung đánh giá tác động của các dự án phát triển lên ĐDSH

 Khung tiêu chí và chỉ thị dưới đây trích từ nghiên cứu sắp xuất bản của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, được đề xuất nhằm đánh giá tác động của các dự án phát triển lên ĐDSH trên bốn khía cạnh: mức độ tác động giá trị ĐDSH; các dịch vụ hệ sinh thái trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án; quyền tiếp cận, sử dụng tài nguyên ĐDSH của các bên liên quan; và các can thiệp về bảo tồn ĐDSH.

 1.     Mức độ tác động đến các giá trị ĐDSH trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án

·         Mức độ suy giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên (rừng, đất ngập nước, rạn san hô);

·         Mức độ suy giảm diện tích của khu vực bảo vệ/bảo tồn (vùng phục hồi sinh thái, vùng lõi);

·         Mức độ suy giảm diện tích của các hệ sinh thái/sinh cảnh đặc trưng, có giá trị quan trọng;

·         Mức độ chia cắt của sinh cảnh tự nhiên trong khu vực tác động của dự án;

·         Mức độ và xu hướng biến động quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc có giá trị sử dụng;

·         Mức độ suy giảm diện tích sinh cảnh đặc trưng của một số các loài nguy cấp, quý, hiếm;

·         Mức độ và xu hướng biến động của các loài là thức ăn của các loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu;

·         Các loài ngoại lai xâm hại có nguy cơ xâm nhập hệ sinh thái bản địa;

·         Mức độ, phạm vi và xu hướng xâm lấn của loài ngoại lai xâm hại vào hệ sinh thái bản địa.

2.     Mức độ tác động đến các loại dịch vụ hệ sinh thái/ đa dạng sinh học trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án 

·         Mức độ hay nguy cơ bồi lắng các thủy vực tự nhiên, có giá trị (sông, suối, hồ nước);

·         Mức độ hay nguy cơ gia tăng phát thải khí CO2 do mất rừng, suy thoái rừng và các can thiệp khác của con người (như vận hành máy móc, thiết bị sử dụng xăng, dầu);

·         Mức độ hay nguy cơ gia tăng buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã;

·         Khả năng tái sản xuất của các loài thủy sinh có giá trị trong các thủy vực bị can thiệp;

·         Mức độ gia tăng hoặc suy giảm cơ hội phát triển dịch vụ du lịch (sinh thái, văn hóa);

·         Mức độ gia tăng hoặc suy giảm cơ hội nghiên cứu, khám phá, học tập các giá trị thiên nhiên của các nhóm có nhu cầu trong và ngoài địa phương;

·         Mức độ gia tăng hoặc sụt giảm cơ hội hoặc giá trị các nguồn thu từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH;

·         Mức độ và xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dự án;

·         Mức độ và xu hướng thay đổi về mối liên hệ giữa các thành phần môi trường chính (sinh vật, nước, không khí, đất).

3.       Mức độ tác động đến quyền tiếp cận và sử dụng tài nguyên ĐDSH của các bên liên quan

·         Số lượng hộ gia đình bị hạn chế hoặc chấm dứt quyền tiếp cận và sử dụng đất, rừng, nguồn nước, thủy sản trong khu vực dự án;

·         Số lượng hộ nghèo bị hạn chế hoặc chấm dứt quyền tiếp cận và sử dụng đất, rừng, nguồn nước trong khu vực dự án;

·         Sự hiện diện của các bên liên quan khác có khả năng cạnh tranh về hưởng dụng hoặc chia sẻ lợi ích từ tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái/ĐDSH;

·         Mức độ tăng hoặc giảm sản lượng khai thác hàng năm các loại tài nguyên sinh học tự nhiên (lâm sản, thủy sản) và sản phẩm sản xuất (nông-lâm-ngư nghiệp) trên địa bàn dự án;

·         Khả năng ban hành các quy định, chế tài có thể ngăn cản người dân và các bên liên quan tiếp cận sử dụng tài nguyên (đất, nước, rừng) trên khu vực dự án;

·         Khả năng thay đổi các quy định/chế tài có thể ngăn cản người dân và các bên liên quan thực hiện quyền quản lý tài nguyên (đất, nước, rừng) trên khu vực dự án.

4.       Mức độ tác động đến các can thiệp về bảo tồn ĐDSH trong khu vực dự án

·         Khả năng thay đổi về mục tiêu, đối tượng bảo tồn ĐDSH của quốc gia, địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án;

·         Mức độ thay đổi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quyết định trực tiếp liên quan đến quản lý, bảo tồn ĐDSH tại địa phương (đất, nước, rừng, ĐDSH, môi trường);

·         Khả năng thay đổi các chương trình, dự án đầu tư cho bảo tồn ĐDSH và quản lý tài nguyên tại địa phương;

·         Khả năng tăng hoặc giảm chi phí tài chính đáp ứng cho mục tiêu, yêu cầu bảo tồn ĐDSH khi có dự án can thiệp;

·         Mức độ gia tăng các mối đe dọa cho mục tiêu bảo tồn ĐDSH tại khu vực dự án và địa phương.

TS. Nguyễn Đức Anh và Th.S. Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên

TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam