Động vật hoang dã phải sống

ThienNhien.Net – Các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cần được xét xử lưu động tại nhiều địa phương để giáo dục, răn đe người phạm tội cũng như nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân.

Công viên động vật hoang dã sẽ được xây dựng tại Ninh Bình. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Công viên động vật hoang dã sẽ được xây dựng tại Ninh Bình. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Thông điệp bảo vệ tê giác “phủ sóng” khách sạn 5 sao

Ngày 26-2 vừa qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, sau khách sạn Pullman thì Caravelle Sài Gòn – một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất TPHCM đã đồng hành cùng ENV trong chiến dịch giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác. Rất nhiều poster tuyên truyền bảo vệ tê giác với thông điệp “Hãy cùng chung tay chấm dứt nạn thảm sát tê giác” được đặt tại các sảnh và thang máy của khách sạn này. ENV hi vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia cùng ENV trong chiến dịch truyền thông giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.

Mới đây bên lề Hội nghị doanh nhân trẻ toàn quốc cũng đã diễn ra một sự kiện đặc biệt do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Hội Doanh nhân trẻ VN và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức: Doanh nhân trẻ tiêu biểu cả nước cùng cam kết không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp và khuyến khích thay đổi hành vi tiêu dùng ngay tại chính doanh nghiệp của họ, để ủng hộ các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam.

“Doanh nhân đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự nghiệp phát triển bền vững của nước nhà. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp cùng chung tay trong nỗ lực bảo tồn bằng việc triển khai các chương trình nâng cao nhận thức cho người lao động trong doanh nghiệp mình nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm động vật hoang dã”, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường nói.

Sắp có Công viên động vật hoang dã quốc gia

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình, nhằm bảo tồn, cứu hộ phát triển khoảng 3.000 cá thể và lưu trữ nguồn gene các loài động vật hoang dã phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường kết hợp với du lịch sinh thái.

Cùng với phân khu cây xanh sinh thái, Phân khu trung tâm dịch vụ; Phân khu vui chơi giải trí…, thì phân khu động vật hoang dã sẽ là tâm điểm của dự án với diện tích trên 400 ha, tổ chức theo các mô hình cảnh quan đặc trưng của các phân vùng trên thế giới, như sa mạc châu Phi, các bộ lạc Nam Mỹ và các vùng rừng rậm nhiệt đới châu Á.

Tuy nhiên trong khi chờ đợi có công viên trên, gây nuôi các loài động vật trong môi trường bán tự nhiên, tạo hiện trường và cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã, công tác bảo vệ động vật hoang dã đang đặt ra bức thiết.

Cùng ngày 26-2, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó ngày 4-11-2014, tại km12 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phát hiện ông Đoàn Xuân Hòa trú ở thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 73N1-7340 có chở một cá thể động vật rừng đã chết, có trọng lượng 8kg. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giám định tên loài, nhóm loài của tang vật nói trên, cá thể động vật mà ông Hòa vận chuyển chính là cá thể vọoc Hà Tĩnh có tên khoa học Trachypithecus hatinhensis. Đây là một trong những loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hà Nội: 21% cơ sở được khảo sát có dấu hiệu vi phạm

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Thủ đô làm gia tăng sức ép đối với đa dạng sinh học, khi nhu cầu sử dụng, chuyển đổi tài nguyên sinh vật như động, thực vật hoang dã, gỗ tăng cao.

Theo kết quả ENV khảo sát tại 1.921 cơ sở kinh doanh ở 6 quận của Hà Nội gồm nhà hàng, khách sạn, chợ, quán bar, quán rượu, cửa hàng thú cảnh và hiệu thuốc đông y, có 21% cơ sở khảo sát có dấu hiệu vi phạm. Chủ yếu tại các nhà hàng, chiếm 83% trong tổng số 408 các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Nghĩa là cứ 10 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội thì có tới 2 cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Tỷ lệ cao nhất là Long Biên chiếm 42%), Cầu Giấy đứng thứ hai có tỷ lệ là 28%, cao hơn nhiều so với các quận được khảo sát năm 2013.

Động vật hoang dã nguy cấp phải sống mới đảm bảo được đa dạng sinh học. Khi con người đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên trong đó có động vật hoang dã lớn hơn mức được bổ sung thì đó là việc tận dụng quá mức hệ sinh thái, làm hủy hoại chính tương lai của mình. Hiện số lượng động vật hoang dã thế giới đã giảm hơn một nửa trong 40 năm qua, trong khi dân số Trái Đất tăng gần gấp đôi. Đây là kết luận của cuộc khảo sát hơn 3.000 loài động vật có xương sống do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) tiến hành và công bố tháng 9 năm ngoái.

Năm qua Hà Nội có 29 vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hành vi nuôi nhốt, bán hoặc quảng cáo các cá thể động vật hoang dã còn sống, được ENV thông báo tới cơ quan chức năng TP, song chỉ có 31% số vụ việc nêu trên được xử lý thành công, dù các cơ quan chức năng đã có phản hồi toàn bộ các vụ việc được thông báo. Như vậy tỷ lệ các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống được xử lý thành công thậm chí còn thấp hơn so với kết quả năm 2013 là 34,7%. Phổ biến nhất là hành vi nuôi nhốt một số loài như cu li, khỉ và mèo rừng.

Xây dựng các chương trình truyền thông về tác hại của việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã, phổ biến bằng nhiều phương thức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng là động thái cần thiết, sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng triệt phá các đường dây buôn bán và truy quét, giám sát các cơ sở kinh doanh động vật hoang dã trái phép. Hà Nội đang phối hợp tiếp với Bộ TN&MT triển khai Dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam” trên địa bàn thành phố.