Vườn Quốc gia Tràm Chim mỗi ngày mất một cây vàng

ThienNhien.Net – “Ngày nào cũng có người xâm nhập vào Vườn Quốc gia Tràm Chim để khai thác trái phép. Nguồn tài nguyên bị lấy đi mỗi ngày trị giá bằng cả cây vàng”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (Đồng Tháp) đã cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, tại Hội thảo tổng kết dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế người dân địa phương thông qua phát triển du lịch sinh thái và sử dụng tài nguyên bền vững tại VQG Tràm Chim”, tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 27-2.

27022015_VQGTramchim
Người chăn trâu xâm nhập trái phép vào Tràm Chim. (Ảnh: Trung Thanh)

Ông Hùng cho biết, VQG Tràm Chim có chu vi đến 70km, quá rộng lớn nên không thể ngăn chặn nổi tình trạng người dân xâm nhập, khai thác tài nguyên trái phép, nhất là vào ban đêm.

Sếu đầu đỏ, loài chim đặc biệt quý hiếm của thế giới thường về Tràm Chim tìm thức ăn. (Ảnh: Trung Thanh)
Sếu đầu đỏ, loài chim đặc biệt quý hiếm của thế giới thường về Tràm Chim tìm thức ăn. (Ảnh: Trung Thanh)

“Không chỉ người dân địa phương, mà người dân từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bến Tre cũng đến Tràm Chim để khai thác tài nguyên trái phép. Chủ yếu họ đánh bắt cá, bán lấy tiền”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, để ngăn chặn tình trạng người dân xâm nhập trái phép vào Tràm Chim cần phải xây dựng được hàng rào vững chắc. “Dân gian có câu “hàng rào sắt không chắc bằng hàng rào miệng”. Do đó, chúng tôi đang xây dựng phương án làm sao để người dân địa phương được hưởng lợi từ VQG Tràm Chim. Khi đó, họ sẽ tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, ngăn chặn những trường hợp xâm nhập trái phép”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Theo ông Hùng, cách hiệu quả nhất không phải là cấm đoán mà cho phép người dân được sử dụng một cách hợp lý, khôn khéo nguồn tài nguyên của Tràm Chim.

Nhiều loài chim quý hiếm chọn Tràm Chim làm nơi cư trú. (Ảnh: Trung Thanh)
Nhiều loài chim quý hiếm chọn Tràm Chim làm nơi cư trú. (Ảnh: Trung Thanh)

“Ngoài sử dụng nguồn tài nguyên, chúng tôi cũng tìm cách cho người dân địa phương được hưởng lợi từ hoạt động du lịch sinh thái (du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng). Nguồn thu từ các hoạt động này cũng giống như nồi cơm của người dân. Theo đó, họ sẽ bảo vệ Tràm Chim như bảo vệ nồi cơm của mình”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), VQG Tràm Chim – khu Ramsar đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới. VQG Tràm Chim giống như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, với tất cả đặc tính tự nhiên và đa dạng sinh học của vùng đất này mà không một nơi nào có được, chỉ với diện tích hơn 7.000 ha. Tràm Chim có tới hơn 230 loài chim (trong đó có 32 loài đang bị đe doạ) hơn 130 loài cá và rất nhiều loài động thực vật khác. Do vậy, từ năm 2007 đến năm 2010, WWF-Việt Nam đồng hành với Cocacola, triển khai dự án “Phục hồi đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại VQG Tràm Chim” với mục tiêu chính là phục hồi và bảo tồn sự toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước nơi đây.