Nam Phi: Đội tuần tra nữ bảo vệ tê giác đầu tiên trên thế giới

ThienNhien.Net – 26 phụ nữ Nam Phi đã tập hợp thành một đội tuần tra, hoạt động nhiều tháng qua trong khu vực Vườn quốc gia Greater Kruger để bảo vệ tê giác.

Một đôi tê giác tại Vườn quốc gia Greater Kruger. (Ảnh: mygola.com)
Một đôi tê giác tại Vườn quốc gia Greater Kruger. (Ảnh: mygola.com)

Khu bảo tồn thiên nhiên trong Vườn quốc gia Greater Kruger đang được bảo vệ bởi Black Mambas, nhóm phụ nữ trẻ mặc đồng phục của quân đội châu Âu và đặc biệt là họ không được trang bị vũ khí. Giải thích về điều này, người thành lập Black Mambas, ông Craig Spencer tin rằng: “Chúng ta không thể giải quyết nạn săn trộm bằng súng đạn”.

Lần đầu tiên trên thế giới, xuất hiện một đội tuần tra chỉ có phụ nữ để bảo vệ thiên nhiên. Vì vậy, Black Mambas được coi là vũ khí đặc biệt trong trận chiến với nạn săn trộm tại Nam Phi, quốc gia mà cứ bảy tiếng lại có thêm một con tê giác bị giết hại.

Nhiệm vụ của Black Mambas là tuần tra, quan sát hoạt động của các phương tiện và các tay súng, lắng nghe các tiếng động, lập tức báo cáo cho đội bảo vệ có vũ khí khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Ông Craig Spencer cho biết, những tay săn trộm không chỉ đến từ nước ngoài mà còn từ các địa phương nghèo ở Nam Phi. Để kết nối người dân với các hoạt động bảo vệ tê giác, khu bảo tồn đã thuê 26 phụ nữ không có việc làm nhưng đã tốt nghiệp trung học đến từ khu vực lân cận.

Trong 10 tháng qua, tê giác tại khu bảo tồn trong Vườn quốc gia Greater Kruger được bảo vệ tuyệt đối an toàn, bẫy săn trộm giảm 90%; trong khi đó, 23 con tê giác tại khu bảo tồn lân cận đã mất tích.

Cô Collette Ngobeni, một thành viên của Black Mambas chia sẻ: “Bảo vệ tê giác không chỉ vì tiền mà còn vì văn hóa và tương lai của chúng ta”.

Theo thống kê của Bộ Môi trường Nam Phi, 13 con tê giác bị giết trong năm 2007 đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng săn trộm động vật có nguy cơ tuyệt chủng tại quốc gia này.