Cô-lôm-bi-a “vươn” ra Nam Cực

ThienNhien.Net – Nghiên cứu biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái cũng như thể hiện mục tiêu chính trị là những mục tiêu mà Cô-lôm-bi-a đề ra trong chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên trong lịch sử đất nước. Đài RFI dẫn lời  đoàn tham gia thám hiểm khẳng định “nếu chúng ta không đi Nam Cực bây giờ, chúng ta có thể sẽ mất rất nhiều thứ ở đó. Điều đó cũng giống như thuở ban sơ không có thuyền để ra biển hay không có phi thuyền lên không gian trong tương lai”.

Nam Cực và loài cá voi lưng gù (Ảnh: Roi-tơ)
Nam Cực và loài cá voi lưng gù (Ảnh: Roi-tơ)

Trong chuyến thám hiểm lần này, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu mối quan hệ giữa Nam Cực với khí hậu Cô-lôm-bi-a, học cách quản lý tốt hơn ngành đánh bắt cá trên biển Thái Bình Dương và tìm hiểu nhiều hơn về việc bảo tồn loài cá voi sinh sống ngay trên vùng lãnh hải đất nước. Theo  Tổng thống Cô-lôm-bi-a M.Xan-tốt (Juan Manuel Santos), Nam Cực tuy  “xa mà gần” bởi  “xa về mặt địa lý, nhưng trên bình diện môi trường, khoa học hay thậm chí chính trị, lại gần hơn như những gì người dân đang nghĩ”.

Đối với các nhà khoa học, chuyến thám hiểm được tổ chức đúng thời điểm. Nhà sinh học X.Ca-ban-lê-rô (Susana Caballero), chuyên nghiên cứu về gien, thuộc Trường Đại học Andes, hy vọng nhân chuyến đi này có thể thu thập được những thông tin quan trọng để giải đáp ẩn số về loài cá voi lưng gù. Bà X.Ca-ban-lê-rô muốn tìm hiểu  xem loài thực thể sinh sản trong vùng biển Thái Bình Dương, thuộc lãnh hải Cô-lôm-bi-a, có cùng một loài với cá voi sinh sống ở Nam Cực hay không, để rồi từ đó thiết lập hành trình di trú của chúng. Để làm được điều này, các nhà khoa học sẽ cho tiến hành lấy mẫu da của các loài động vật có vú này ở Nam Cực rồi so sánh với mẫu da loài cá thu thập được trên Thái Bình Dương. Theo giải thích của nhà sinh học, việc chứng minh được cả hai loài đó là cùng một loài sẽ tạo cơ sở cho việc bảo tồn loài cá voi này, chẳng hạn như “yêu cầu không sử dụng một số loại lưới đánh bắt trong suốt những tháng di trú hay như vạch ra những lộ trình cụ thể cho các thương thuyền nhằm tránh ảnh hưởng đến chúng”.

Ngoài các nghiên cứu khoa học, mục tiêu chính trị cũng là động cơ chính của chuyến đi Nam Cực lần này. Cô-lôm-bi-a nhắm đến việc củng cố vị thế của mình trong Hiệp ước về Nam Cực mà quốc gia này tham gia rất muộn trong thập niên 1980. Có hiệu lực từ năm 1961, hiệp ước quốc tế này được ký kết nhằm mục tiêu bảo đảm việc bảo tồn vùng băng cực lớn nhất của hành tinh.