Núp bóng dự án để khai thác cát trái phép trên sông Lô

ThienNhien.Net – Theo quan sát của chúng tôi, một số tàu trong quá trình thực hiện dự án đã ngang nhiên tổ chức “rửa cát” để bán ngay khi vừa múc lên từ lòng sông.

Nạo vét luồng lạch hay khai thác cát trên sông Lô? (Ảnh: nongnghiep.vn)
Nạo vét luồng lạch hay khai thác cát trên sông Lô? (Ảnh: nongnghiep.vn)

Lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong việc nạo vét, khơi thông luồng lạch của Bộ GTVT, một số doanh nghiệp ngang nhiên tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Lô thuộc địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Đáng báo động hơn có DN còn thuê cả xã hội đen đứng ra bảo kê cho những hoạt động trái phép của mình.

Đại công trường trái phép trên sông Lô

Thực hiện Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 8/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát lòng sông; Thông tư số 37/2003/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 của Bộ GTVT quy định nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm; Bộ GTVT giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện các dự án khơi thông luồng lạch theo hình thức xã hội hóa.

Bằng hình thức này, các nhà đầu tư được phép tận thu trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số DN có đầy đủ thủ tục thực hiện dự án thì một số DN khác dù không có đủ hồ sơ pháp lý, chưa được phép triển khai vẫn ngang nhiên nhảy xuống sông xí phần dự án, biến việc thực hiện dự án khơi thông luồng lạch thành khai thác cát trái phép.

Một số người dân địa phương dẫn chúng tôi đi dọc theo sông Lô đoạn chảy qua xã Bạch Lưu thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nơi mà họ khẳng định rằng, kể từ khi có chủ trương khơi thông luồng lạch, đoạn sông Lô này chẳng khác gì một đại công trường. Rất nhốn nháo, bất cập và nhiều phức tạp. Luôn có hàng trăm chiếc tàu các loại hoạt động liên tục bất kể ngày đêm.

Dòng sông Lô dường như hung hãn hơn trước tiếng gầm rú rung trời của hàng trăm loại động cơ, máy móc. Gần khu vực dự án, có những chỗ bị ngoạm vào sát chân đê, vượt qua cả mốc chỉ giới an toàn.

Ông H, một người dân địa phương lo lắng: “Trước đây các dự án khai thác đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sông Lô rồi, nếu dự án khơi thông luồng lạch này không tuân thủ các qui trình nghiêm ngặt thì việc đê sông Lô bị ngoạm vào đến tận bờ gây sạt lở chỉ còn là chuyện một sớm một chiều”.

Không chỉ lo lắng về việc đê sông Lô bị xâm hại, những người dân ở khu vực này còn phản ánh, thời gian gần đây có một số DN thuê cả xã hội đen bảo kê các hoạt động trái phép trên sông Lô khiến họ không dám phản ánh thông tin đến các cơ quan chức năng.

Quả đúng như thế thật. Không hiểu các nhà đầu tư thực hiện dự án khuất tất đến mức nào nhưng khi chúng tôi mang máy ảnh ra tác nghiệp thì ngay lập tức xuất hiện một số đối tượng xăm trổ đầy người chạy ra ngăn cản.

“Đây là đất của tao, mày không được phép quay phim chụp ảnh”, một đối tượng lên tiếng quát mắng. Chỉ cần nhìn qua cũng có thể khẳng định việc thực hiện dự án khơi thông luồng lạch chỉ là vỏ bọc bao che các hoạt động khai thác cát trái phép của một số DN.

Các đối tượng đe dọa PV tác nghiệp. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Các đối tượng đe dọa PV tác nghiệp. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Không tuân thủ giờ giấc thực hiện dự án, không tuân thủ các chuẩn tắc trong quá trình nạo vét, không có bến bãi tập kết thanh thải trong quá trình tận thu…, các DN mặc sức “thực hiện dự án khơi thông luồng lạch” theo cách của họ mà không hề tuân thủ các qui định của pháp luật.

Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, một số tàu trong quá trình thực hiện dự án đã ngang nhiên tổ chức “rửa cát” để bán ngay khi vừa múc lên từ lòng sông, phần bùn đất đáng ra phải vận chuyển đến điểm tập kết để xử lý thì lại tiếp tục đổ xuống sông Lô.

Sẽ đình chỉ DN vi phạm

Làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, chúng tôi được biết, dự án khơi thông luồng lạch trong năm 2014 ở tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ có 2 doanh nghiệp có đủ hồ sơ, thủ tục để tham gia thực hiện dự án gồm Cty xây dựng và thương mại Linh Hải và Cty TNHH xây dựng và phát triển hạ tầng Vân Hội.

Các DN còn lại hoặc chưa đủ hồ sơ, hoặc chưa có bất cứ giấy tờ gì. Đơn cử như Cty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Phúc Vinh và một số nhà đầu tư khác.

Về trình tự, thủ tục thực hiện dự án, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết: “Nguyên tắc của xã hội hóa khi thực hiện dự án là lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước phải hài hòa, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có chuyện lộn xộn, lợi dụng dự án để khai thác cát.

Theo qui định, nhà đầu tư phải đăng ký với Bộ GTVT trên cơ sở danh mục các vị trí cần nạo vét đảm bảo giao thông để Bộ xin ý kiến các địa phương. Sau khi có ý kiến thống nhất chủ trương, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế, lựa chọn đơn vị giám sát, ký kết thực hiện hợp đồng dự án, bàn giao mốc giới mặt bằng thi công…”.

Nếu chiếu theo các yêu cầu, qui định, chuẩn tắc của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cty Phúc Vinh chưa có hợp đồng dự án, chưa được bàn giao mốc giới và thiếu nhiều thủ tục khác nhưng vẫn ngang nhiên triển khai thực hiện dự án như thể họ đã có đầy đủ thủ tục rồi.

Chưa kể, trong quá trình thực hiện dự án, rất nhiều vi phạm về chuẩn tắc, qui định rõ rành rành nhưng không hiểu sao doanh nghiệp này chưa bị đình chỉ?

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, Cty Phúc Vinh đã được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận thực hiện đầu tư nạo vét đảm bảo giao thông tuyến sông Lô đoạn từ km 36+000 đến km 44+000 thuộc 3 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Đến thời điểm hiện tại, các tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ chưa chấp thuận cho Cty Phúc Vinh thực hiện dự án vì chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý.

Về vấn đề này, đại diện Cục Đường thủy khẳng định: Cty Phúc Vinh chưa thể triển khai thực hiện dự án nạo vét khơi thông luồng lạch khi chưa đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý.

Dự án sẽ bị đình chỉ nếu triển khai khi chưa đầy đủ thủ tục, không đúng phạm vi, vị trí được phê duyệt, đặc biệt việc lợi dụng dự án để khai thác khoáng sản, gây tổn thất tài nguyên quốc gia, mất trật tự an ninh khu vực.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thẳng thắn thừa nhận rằng “cát hết chứ làm gì có bùn mà nạo vét” và “tồn tại bất cập của pháp luật như thế thì phải làm sao”.

Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Nếu khơi thông luồng lạch mà không có giá trị gì vận dụng được thì không ai làm cả. Việc này, nếu không xã hội hóa thì nhà nước phải bỏ tiền ra làm, vì thế khi xã hội hóa rồi thì phải để nhà đầu tư tổ chức tận thu.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ ai là người giám sát quá trình tận thu ấy? Khối lượng bao nhiêu? Tỷ lệ thế nào? Đó là trách nhiệm của Bộ GTVT. Còn về phía tỉnh Vĩnh Phúc, vai trò giám sát rất hạn chế. Quan điểm của tỉnh là cho dù dự án của Bộ GTVT nhưng phải tuân thủ qui hoạch điểm mỏ của tỉnh.

Đồng ý chủ trương thực hiện dự án nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng theo Luật Khoáng sản. Nhưng nói thật là cát hết chứ làm gì có bùn. Nó bảo toàn bùn cả thì mình cũng biết thế nào được. Xúc lên bán giữa đêm mình có biết đâu. Tồn tại bất cập như thế thì phải làm sao? Không chỉ đây mà các tỉnh khác như Đồng Nai, Sài Gòn cũng thế”.

Cũng theo ông Vũ Chí Giang, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức các đoàn liên ngành chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện dự án, nhưng “khó ở chỗ đây là dự án của Bộ GTVT nên…”. Ông Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc để lửng câu nói của mình.