“Làng ung thư” ở cửa ngõ Thủ đô

ThienNhien.Net – Trong phạm vi diện tích hơn 0,4 km2 (dài 1,4 km, rộng 0,3km) khu dân cư đường 23 với 351 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, đang dần trở thành “làng ung thư” liền kề nghĩa trang Thanh Tước, cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Nhà nhà ô nhiễm giếng nước

Nghĩa trang Thanh Tước (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) bắt đầu hình thành từ năm 1964, làm nơi cát táng cho các gia đình ở Hà Nội có thân nhân an nghỉ tại sân bay Bạch Mai. Năm 1993, nghĩa trang được mở rộng thêm 2 ha để đưa mộ cát táng từ sân bay Đa Phúc về. Từ năm 1995, Thanh Tước trở thành nơi an táng văn nghệ sĩ và các nhà khoa học. Đến nay, do mật độ hung táng ngày càng nhiều, nghĩa trang không xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ trước nên môi trường xung quanh đã bị ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.

Chúng tôi tiến hành khảo sát thực tế tại nhiều gia đình đang sinh sống quanh nghĩa trang Thanh Tước, kết quả là giếng nước gia đình nào cũng có dấu hiệu ô nhiễm nặng nề. Ông Đỗ Văn Điền ở tổ 3 vừa bơm nước từ giếng của gia đình lên cho chúng tôi chụp ảnh và quay phim, ông cười rất to mà nước mắt giàn giụa: “Ảnh có mùi thối không?”.

200115_langungthu1
Nước lẫn tạp chất trong giếng gia đình ông Đỗ Văn Điền

 

Quả thật, trong thau nước vừa được bơm ra, cùng với dòng nước vẩn đục là nhiều vật thể lẫn trong đó. Chỉ vài giây sau câu nói của ông Điền, mùi thối từ dòng nước xộc lên khiến chúng tôi không thể chịu nổi. Cạnh nhà ông Điền là nhà bà Nguyễn Thị Điểm. Tự tay chúng tôi múc nước từ giếng lên, mùi thối lại xộc vào mũi. Được biết, chồng bà Điểm đã chết vì ung thư phổi. Băng qua quốc lộ 23B, chúng tôi sang nhà bà Nguyễn Thị Giá (71 tuổi).

Dẫn chúng tôi ra giếng nước mà gia đình sử dụng từ hơn 30 năm nay, múc gáo nước lên để chúng tôi chụp ảnh, bà Giá không cầm được nước mắt. Chồng bà, ông Vũ Huy Quả chết vì ung thư dạ dày vừa qua giỗ đầu. Con trai bà lại mới được Bệnh viện K kết luận ung thư máu. “Có ai khổ như tôi không?”, bà Giá nghẹn ngào.

Nước ô nhiễm bủa vây gia đình bà. Cống nước thải từ nghĩa trang Thanh Tước chảy thẳng qua cửa nhà, “mùa mưa nước tràn khắp cổng, tôi lội qua nước, về mẩn ngứa hết cả hai chân, thuốc thang mấy ngày mới khỏi”.

Cho đến nay, hệ thống nước thải của nghĩa trang Thanh Tước vẫn không hề được xử lý mà xả thẳng ra môi trường xung quanh. Nhà bà Bùi Thị Lý, tổ trưởng tổ 1, khu đường 23, nước giếng vừa bơm lên để tưới cây đã bốc mùi nồng nặc.

Nông sản bị tẩy chay

Người dân thôn Phú Hữu chủ yếu làm nông nghiệp nhưng từ vài năm trở lại đây, các sản phẩm nông nghiệp như rau, dưa, bí… và các loại nông sản khác đều không bán được. Ông Nguyễn Quý Trọng (thôn Phú Hữu) cho biết: “Bà con ở địa bàn xung quanh và cả thị xã Phúc Yên khi biết rau của thôn Phú Hữu thì đều không dám mua”. Dẫn phóng viên ra ven Hồ 79 (thuộc khu di tích Đồi 79 mùa xuân thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh), bà Đỗ Thị Bản (76 tuổi), thẳng thắn chia sẻ: “Hồ này trước đây không khí trong lành. Bây giờ ô nhiễm, đi tập thể dục vào những ngày trở trời, tanh hôi không chịu nổi”. Nhiều năm nay, nước từ nghĩa trang Thanh Tước không hề có hệ thống xử lý mà xả thẳng ra môi trường xung quanh.

Theo “Báo cáo quan trắc, đợt 1 năm 2014” của chủ đầu tư là Ban phục vụ lễ tang Hà Nội với sự tư vấn của Cty TNHH Môi trường và Xây dựng Hà Nội – ECO, khẳng định: “Nước mặt được lấy tại hồ nghĩa trang có một số chỉ tiêu như amoni, nitrit và phosphat vượt giá trị giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT”. Tuy trong Báo cáo này ngay sau đó quả quyết “hồ này là hồ cảnh quan trong nghĩa trang, không phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tưới tiêu hay giao thông thủy” nhưng người dân sinh sống lâu năm tại đây đều biết, từ trong hồ có ống cống xả nước qua Quốc lộ 23B, hiện nay vẫn còn dấu tích. Rồi theo hệ thống cống thoát dân sinh, nước sẽ chảy vào Hồ 79 ra kênh tiêu Tam Báo. Từ kênh tiêu Tam Báo, nguồn nước ô nhiễm lại chia theo hai dòng, với mức độ ô nhiễm khác nhau. Một dòng uốn về đồng Chằm ở thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) rồi lại ngược lên sông Cà Lồ chia nước tưới tiêu cho các xã Tự Lập, Tiền Châu…

Nước ô nhiễm bủa vây gia đình bà Nguyễn Thị Giá
Nước ô nhiễm bủa vây gia đình bà Nguyễn Thị Giá

Một dòng xuôi theo kênh Tam Báo, chia nước tưới tiêu cho các thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh), Ngự Tiền, Yên Vinh (xã Thanh Lâm), rồi các xã Quang Minh, sang xã Nam Hồng, xã Bắc Hồng… (huyện Đông Anh), xã Mai Đình, xã Quang Tiến… (huyện Sóc Sơn)… sau đó đổ ra sông Hồng.

“Làng ung thư” đang hình thành

Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Nguyễn Đức Nhi (69 tuổi), chi hội trưởng Người cao tuổi cho thấy, từ năm 2005 đến nay đã có 64 người ở khu đường 23 chết vì bệnh ung thư. Ngay sát nghĩa trang là hai vợ chồng ông Chiến và ông Nguyễn Đình Thông đều chết vì ung thư gan. Hiện nay, còn nhiều người khác đã bị thần chết giơ lưỡi hái kề cổ. Đó là ông Nguyễn Đình Quý ung thư vòm họng, ông Trần Văn Sở ung thư hạch, ông Bùi Giang Nho ung thư gan…

Cho đến nay, dự án đưa nước sạch về cho nhân dân ở các thôn, xã chịu ảnh hưởng tác động môi trường và nước sinh hoạt từ nghĩa trang Thanh Tước vẫn… nằm trên giấy.

Nhìn vào danh sách những người chết vì bệnh ung thư ở khu đường 23, điều đáng lo ngại là số lượng năm sau cao hơn năm trước và tỉ lệ tử vong ngày càng trẻ hóa. Điều nghi ngờ của người dân đang sinh sống gần nghĩa trang Thanh Tước là có cơ sở. Bởi vì, vẫn theo chính “Báo cáo quan trắc, đợt 1 năm 2014” tiếp tục khẳng định: “Chất lượng nước ngầm lấy tại giếng trong nghĩa trang có một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép của QCVN09:2008/BTNMT”.

Dân tự cứu mình

Không chỉ nguồn nước, không khí xung quanh nghĩa trang Thanh Tước cũng bị ô nhiễm nặng nề. “Những ngày nắng nóng, mùi hôi tanh rất khó chịu”, bà Bản nói. Trong khi thành phố Hà Nội vẫn chưa triển khai các đường nước sạch, phải tự cứu mình trước khi trời cứu nên người dân khu đường 23 và hai thôn Phú Hữu, Mỹ Lộc, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã phải tìm cách “mua chui” nước từ Công ty cấp thoát nước Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Nhà bà Đỗ Thị Bản ở gần cổng chính nghĩa trang Thanh Tước dù có giếng khoan nhưng vẫn bán tín bán nghi không dám sử dụng.

“Tôi phải mua nước đóng bình về dùng cho an toàn”. Quyền lợi chính đáng là được sử dụng nước sạch của người dân xã Thanh Lâm sau hơn 6 năm về làm công dân Thủ đô vẫn không được quan tâm. Đến nay còn gần 100 hộ gia đình vẫn phải sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm. Không riêng người dân khu đường 23 và hai thôn Phú Hữu, Mỹ Lộc, xã Thanh Lâm; người dân các xã xung quanh như xã Tiến Thắng, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh đều chịu ảnh hưởng vì nghĩa trang Thanh Tước gần nguồn nước. Thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng đang phải sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm….