Cần ba tháng để tìm nguyên nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng

ThienNhien.Net – Sáng 14-1, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp triển khai công tác điều tra, xác định nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan, hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng và chủ đầu tư dự án…

Các lực lượng cứu hộ cứu các công nhân bị nạn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các lực lượng cứu hộ cứu các công nhân bị nạn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tập trung giám định chất lượng đường hầm

Theo đó, sẽ thành lập tổ điều tra sự cố để tiến hành đánh giá sự tuân thủ trong quá trình đầu tư dự án, chất lượng công trình qua các giai đoạn (công tác khảo sát, thiết kế, thi công…), xác định nguyên nhân sự cố, xác định và xử lý trách nhiệm các bên liên quan…

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói: “Tổ điều tra tập trung giám định sự cố sập đường hầm, đồng thời sẽ kiểm tra hồ sơ, tình hình thực tế toàn bộ dự án, nếu có hạng mục không đảm bảo sẽ tiếp tục giám định. Sau khi xác định trách nhiệm, có thể cấm không cho hành nghề, thu hồi dự án, bồi thường hoặc xử lý hình sự. Trước mắt, tạm ngừng toàn bộ dự án để phục vụ công tác điều tra…”.

Đại diện cơ quan kiểm định nhà nước cho rằng, đây là vụ việc được dư luận quan tâm rất lớn. Công trình 12 năm, chắc chắn hồ sơ, tài liệu… rất nhiều.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các đơn vị trình bày các nội dung liên quan, ý kiến các chuyên gia, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên thống nhất xác định, trung tuần tháng 4-2015, hoàn thành việc xác định nguyên nhân sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng.

Hồ sơ điều chỉnh chưa được phê duyệt

Dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (dự án thủy điện liên hoàn), thuộc địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Phi Tô, Lâm Hà (Lâm Đồng), có công suất chỉ 23MW, nhưng đã trải qua thời gian quá dài. Kể từ lễ khởi công năm 2003 đến hết năm 2008, được xác định “chưa làm gì”. Năm 2009, dự án bắt đầu khởi động thực sự và đến năm 2013, vừa xin điều chỉnh, vừa thi công.

Khái quát quá trình triển khai dự án, đại diện Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Long Hội, đơn vị chủ đầu tư cho biết, từ khi “động thổ” năm 2003, đến 2007 chủ đầu tư (cũ) là công ty Cienco 5 mới hoàn thành giai đoạn lập dự án đầu tư. Từ năm 2009 đến 2011, công ty CP xây dựng Lũng Lô 2 thi công dự án, nhưng do địa chất rất xấu nên “dừng”. Tháng 8-2011 đến tháng 10-2014, công ty CP xây dựng công trình ngầm (Vinavico) “tiếp quản” thi công công trình; nhưng cũng vì lý do địa chất nên không “tiếp tục”. Tháng 9-2014 đến nay, công ty CP Sông Đà 10 được chọn tiếp tục thực hiện phần còn lại của công trình, và công ty Sông Đà 505 đảm nhiệm thi công đổ bê tông toàn bộ tuyến hầm. Như vậy, vị trí hầm sập là phần Vinavico đào gia cố, Sông Đà 505 thực hiện đổ bê tông kết cấu.

Theo đại diện đơn vị giám sát, thiết kế ban đầu của một đơn vị Trung Quốc (Viện thiết kế thủy lợi, thủy điện Nam Ninh – PV) đưa ra, thì khu vực này địa chất toàn đá, nhưng thực tế lại khác nên phải thay đổi.

Dù trải qua 12 năm, với sự thay đổi của ba đơn vị thi công, nhưng hồ sơ dự án vẫn còn “khập khiểng”. “Tuyến năng lượng (đường hầm bị sập-PV) của thủy điện Đạ Dâng, chưa được phê duyệt hồ sơ điều chỉnh phương án thiết kế, chủ đầu tư tự triển khai thi công. Sau khi có kết luận nguyên nhân sự cố, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ, mới xem xét cho tiếp tục” – Phó giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng Huỳnh Ngọc Hải nêu vấn đề.

Trách nhiệm và bài học?

Trở lại vụ việc, đại diện đơn vị thi công đổ bê tông đường hầm (công ty Sông Đà 505) cho biết, đầu ca (bắt đầu từ 6 giờ, ngày 16-12-2014), công nhân vào đường hầm làm việc bình thường, sau đó hầm sập nhanh bất thường, 12 người phía trong không kịp phản ứng. Và từ đó, họ thoi thóp, quằn quại hơn 80 giờ trong hầm tối! Rồi điều kỳ diệu đã đến, 12 người con tứ xứ miền quê được trở về an toàn trong vòng tay đồng đội, người thân.

– Việc kiểm tra an toàn trước thi công như thế nào? – Một chuyên gia hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, hỏi.

– Việc kiểm tra, đánh giá an toàn trước thi công được thực hiện bằng “quan sát”, Đại diện đơn vị thi công đổ bê tông đường hầm cho hay.

Một chuyên gia khác chất vấn, cái hố trên đỉnh hầm phát hiện hơn một năm sao không xử lý? – “Đã che và tạo rãnh thoát nước, chờ hoàn thiện mới đổ bê tông ‘phễu’ trên đỉnh”, Đại diện đơn vị giám sát nói.

Những đoạn “đối thoại” ngắn giữa các nhà chuyên môn với chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát… cho thấy, mặc dù công trình “ngủ yên” nhiều năm, nhưng còn nhiều hạng mục công trình – đáng lẽ phải thực hiện, nhưng đều trong tình trạng “chờ”.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng đã được chỉ ra: “Chưa phối hợp tốt trong việc lập kế hoạch kiểm tra định kỳ về chất lượng xây dựng công trình chuyên ngành”. Lỗi của nhà đầu tư cũng đã được “vạch”: Triển khai thi công khi hồ sơ điều chỉnh phương án thiết kế chưa được phê duyệt…

“Nhận” trách nhiệm sau khi xảy ra sự cố là việc “thường làm”. Tuy nhiên, từ việc “nhận” đến việc “trăn trở”, “nhìn rộng ra” các công trình khác có “trách nhiệm” hơn, để không xảy ra thêm một “sự cố Đạ Dâng”, có lẽ là điều được nhiều người mong muốn, chờ đợi!