Bụi than phủ xóm làng, chủ tịch huyện chỉ đạo ‘lập chiến lũy’ phong tỏa

ThienNhien.Net – Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo dân ‘lập chiến lũy’ nếu doanh nghiệp không đối thoại và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường.

Như VTC News đã đưa tin, trong những ngày qua, hàng trăm người dân thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã cùng nhau vận chuyển gạch đá, dựng lều bạt, lập “biển cảnh báo” trên đường đê Đá Bạc, dài khoảng 1,4km – lối ra vào của hàng loạt doanh nghiệp, sản xuất than đá, than củi, đóng tàu gây ô nhiễm môi trường để phản đối và yêu cầu những doanh nghiệp này phải có các biện pháp bảo vệ môi trường mới cho tiếp tục sản xuất.

Bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp sản xuất than gây ô nhiễm môi trường, người dân 'lập chiến lũy' để phản đối. (Ảnh: MK )
Bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp sản xuất than gây ô nhiễm môi trường, người dân ‘lập chiến lũy’ để phản đối. (Ảnh: MK )

Một làng gần 10 người chết vì bệnh ung thư

Ngày 7/01, làm việc với chính quyền xã Lưu Kỳ, chúng tôi được biết, đoạn đường đê Đá Bạc có chiều dài 1,4km, với diện tích 15ha đất ven sông phía ngoài đê được UBND huyện Thủy Nguyên và TP Hải Phòng cho hơn 10 hộ dân và doanh nghiệp thuê đất để làm bến bãi tập kết, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến than đá từ năm 2006 đến nay.

Kể từ khi đi vào hoạt động thì cũng là lúc tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi sản xuất than đá phát tán ra môi trường, bao phủ toàn bộ khu dân cư với trên 270 hộ dân, gần 1000 nhân khẩu, khiến cho cuộc sống của người dân khốn khổ.

Môi trường không khí ô nhiễm, cả làng bị bao phủ bởi bụi than nhiễm bẩn; các ao đầm không thể nuôi thả cá; toàn bộ diện tích cấy lúa của người dân bị giảm năng suất, cây ăn quả không thể đơm hoa kết trái.

Tuy chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra có liên quan đến tình trạng môi nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhưng những năm gần đây, số người mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp ngày một tăng. Đặc biệt theo thống kê chưa đầy đủ, trong khu vực này đã có gần 10 người chết vì bệnh ung thư.

Bụi than phủ khắp xóm làng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. (Ảnh: MK)
Bụi than phủ khắp xóm làng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. (Ảnh: MK)

Bức xúc trước tình trạng trên, đã nhiều lần người dân, thậm chí chính quyền địa phương cũng phản ánh, kiến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian doanh nghiệp thực hiện rồi đâu lại vào đó.

UBND huyện Thủy Nguyên cũng như các ngành chức năng cũng đã “5 lần 7 lượt” kiểm tra, xử lý, có doanh nghiệp đã bị phạt trên 110 triệu đồng vì vi phạm các cam kết về bảo vệ môi trường và yêu cầu có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, sau đó vi phạm vẫn gia tăng.

Năm 2013, một doanh nghiệp xây dựng lò đốt lốp xe chiết suất dầu, với giá trị đầu từ 3-4 tỷ đồng, khi đi vào chạy thử gây ô nhiễm nghiêm trọng, người dân đã tập trung phản đối, “vô hiệu hóa” các lò đốt này, khiến doanh nghiệp phải giải tán, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Cùng thời điểm này, Công ty TNHH Đức Giang xây dựng hàng chục lò sản xuất than hoa, bị người dân phản đối vì gây ô nhiễm nghiêm trọng, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra thông báo dừng hoạt động, tuy nhiên, đến nay Công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động khiến người dân và chính quyền địa phương vô cùng bức xúc.

Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, sẽ tiếp tục để người dân 'lập chiến lũy' cho đến khi doanh nghiệp khắc phục xong vấn đề ô nhiễm môi trường. (Ảnh: MK)
Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, sẽ tiếp tục để người dân ‘lập chiến lũy’ cho đến khi doanh nghiệp khắc phục xong vấn đề ô nhiễm môi trường. (Ảnh: MK)

Chủ tịch huyện chỉ đạo tiếp tục để dân “lập chiến lũy”

Trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Trần Lanh – Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, trong những ngày qua, người dân “lập chiến lũy”  cũng là chính đáng. Bởi nhiều năm qua, người dân kiến nghị, các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt, buộc các doanh nghiệp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng chỉ được thời gian đầu rồi tiếp tục lại tái phạm.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Trần Lanh là khi nào doanh nghiệp đối thoại và giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường, được nhân dân đồng thuận thì mới yêu cầu nhân dân tháo dỡ ‘chiến lũy’, còn không cứ để cho người dân phong tỏa con đường này.

Riêng đối với Công ty TNHH Đức Giang sản xuất than hoa, huyện đã có thông báo dừng hoạt động. Nếu doanh nghiệp này cố tình, ông Lanh sẽ “lệnh” cho xã cử lực lượng Công an xã đến đóng cửa doanh nghiệp.

Đồng thời, huyện sẽ ra thông báo dừng hoạt động đối với tất cả các doanh nghiệp gây ô nhiệm môi trường khu vực đê Đá Bạc cho đến khi các doanh nghiệp thực hiện và cam kết xử lý xong vấn đề gây ô nhiễm môi trường thì sẽ cho hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành thanh kiểm tra toàn diện đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại khu vực huyện cho thuê đất, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý dứt điểm.