Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai

ThienNhien.Net – Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai vừa được Chính phủ phê duyệt.

Phân loại chất thải rắn. (Ảnh: disanxanh.cinet.vn)
Phân loại chất thải rắn. (Ảnh: disanxanh.cinet.vn)

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn; xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Năm 2030, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn 90%

Năm 2020, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị 95%, nông thôn 70%; năm 2030, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị 100%, nông thôn 90%.

Với khu vực đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn,…), thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày từ nơi phát sinh tới các điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc được vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch. Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết thôn, xã và vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn cấp huyện hoặc thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.

Thực hiện thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển của các khu, cụm công nghiệp; điểm tập kết của các làng nghề hoặc trực tiếp từ cơ sở sản xuất đến các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh theo quy hoạch; chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến cơ sở xử lý theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu an toàn và vệ sinh môi trường.

Đến năm 2030, có 34 cơ sở xử lý chất thải rắn

Các địa phương cần rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể hạn chế ảnh hưởng tới môi trường của các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu đang gây ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác, chuyển đổi công nghệ, hạn chế chôn lấp hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, thực hiện quan trắc và giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn; nâng cấp, cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn khu vực.

Quy hoạch xử lý chất thải rắn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 bao gồm 34 cơ sở xử lý, cụ thể: 2 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh và 32 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh, trong đó xác định 18 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước và 14 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước.

Ước tính vốn đầu tư triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn các tỉnh thuộc lựu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 khoảng 35.000 tỷ đồng.

Lưu vực sông Đồng Nai trong Quyết định này gồm ranh giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.