Chỉ 40% bệnh viện tuyến quận, huyện có hệ thống xử lý nước thải

ThienNhien.Net – Nếu xét về nguy hại, nước thải y tế xứng đáng xếp đầu danh mục, bởi trong đó chứa một lượng khổng lồ các loại vi khuẩn, mầm bệnh. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài công tác xử lý nước thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế trên chưa được quan tâm đúng mức… Phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Bộ Y tế. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

PV: Trăn trở lớn nhất của ông đối với môi trường nói chung và môi trường nước thải trong các bệnh viện công lập là gì?

TS Nguyễn Huy Nga: Chúng ta đều biết môi trường nước thải của bệnh viện so với các loại nước thải khác như nước thải công nghiệp, nước thải từ bãi rác… là không đáng kể. Mức gây ô nhiễm về môi trường cũng không đáng kể so với nước thải nói chung. Nhưng nước thải bệnh viện có nguy cơ cao vì trong trường hợp có dịch bệnh thì mức độ lan truyền sẽ gây nguy hại cho đời sống. Bởi lẽ trong nước thải của bệnh có mầm bệnh mà nếu không tiêu diệt được các mầm bệnh đó thì sẽ rất nguy hiểm.

PV: Là người phụ trách lĩnh vực môi trường của Bộ Y tế, ông đã nhiều lần đề cập đến việc thiếu cán bộ chuyên trách quản lý môi trường ở các bệnh viện, xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?

TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay, phần lớn các bệnh viện công lập tuyến quận, huyện không có cán bộ chuyên trách về môi trường. Thậm chí ở các bệnh viện ở tuyến tỉnh cũng chỉ giao cho hoặc là bộ phận hành chính, điều dưỡng thậm chí có cả lái xe, bảo vệ… phụ trách môi trường, quản lý nước thải. Có thể nói rất nhiều bệnh viện chưa có hệ thống cán bộ này điều đó dẫn tới việc sử dụng, điều hành hệ thống quản lý nước thải, rác thải bệnh viện không hiệu quả.

Tuy nhiên, một số bệnh viện đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã nhận ra điều đó và đưa các nhân viên tốt nghiệp các trường ngành môi trường vào làm việc tại các vị trí thuộc lĩnh vực này.

PV: Thiếu cán bộ chuyên trách chắc chắn sẽ không chỉ gây lãng phí mà còn là mỗi nguy hại cho môi trường thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Đúng vậy, một bệnh viện khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải ít nhất cùng từ 1 vài tỷ đồng thậm chí có thể lên đến 10 tỷ đồng nhưng nếu vận hành không tốt sẽ bị hỏng gây lãng phí lớn cho ngân sách và nguy hại đến môi trường. Nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại vi rút, vi khuẩn nguy hại có khả năng xâm nhập và gây ảnh hưởng sức khỏe con người.

PV: Hiện nay tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến quận, huyện trở lên được đầu tư hệ thống xử lý nước thải quy mô như ông vừa nói ở trên là bao nhiêu, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Ở tuyến quận, huyện khoảng 40% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, trong số này các bệnh viện đầu tư đạt yêu cầu cũng rất ít.

PV: Thưa ông, để khắc phục tình trạng đó trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ có những giải pháp nào?

TS Nguyễn Huy Nga: Tôi cho rằng trước hết là các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung phải củng cố hệ thống quản lý rồi mới đầu tư chứ đầu tư mà chưa có quản lý tốt cũng chỉ gây lãng phí. Vấn đề hiện nay là các tỉnh phải được làm chủ đầu tư để quản lý, vận hành tốt hệ thống xử lý nước thải.

PV: Theo kinh nghiệm của ông thì để quản lý vận hành tốt hệ thống nước thải bệnh viện thì cần những yếu tố gì, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Trước hết đó là tính nhất quán trong đầu tư, quản lý và sử dụng. Hiện nay, nhiều bệnh viện không phải là chủ đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên mới có tình trạng quản lý như tôi đã nói. Muốn giải quyết tốt vấn đề này, nếu không giao bệnh viện làm chủ đầu tư thì khi bàn giao cũng phải “yêu cầu họ ký nhận” và giao phần quản lý, vận hành cho họ để mỗi bệnh viện tự chịu trách nhiệm vận hành hệ thống này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 13.000 bệnh viện có giường bệnh và phòng khám tư nhân. Mỗi ngày, các bệnh viện thuộc tuyến Trung ương thải ra khoảng hơn 7 tấn rác, bệnh viện địa phương thải ra 38 tấn rác. Cùng với đó là nguồn nước thải khổng lồ với mức độ 30.000m3 – 100.000m3 ở tuyến Trung ương, địa phương.

Về vấn đề xử lý nước thải y tế hiện có 65,3% các bệnh viện có hệ thống xử lý; hệ dự phòng mới chỉ có 15% được trang bị; 50% cơ sở sản xuất thuốc có hệ thống xử lý nước thải. Số cơ sở y tế còn lại đang xả thẳng nguồn nước mang mầm bệnh chưa qua xử lý vào môi trường. Nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý là nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt…