Việt Nam là 1 trong 2 nước sớm đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần

ThienNhien.Net – Đó là thông tin được báo giới quan tâm tại buổi họp báo nhằm thông báo về: “Kết quả Hội nghị COP20 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) và tham gia của Đoàn Việt Nam” do Bộ TN&MT tổ chức sáng 17/12 tại Hà Nội. Cùng với Singapore, Việt Nam đã đệ trình sớm Báo cáo cập nhật 2 năm một lần, báo cáo đã nhận được sự quan tâm và đề nghị học tập cách làm của Việt Nam từ nhiều đoàn của các quốc gia đang phát triển.

Ông Nguyễn Văn Tuệ phát biểu khai mạc buổi họp báo. (Ảnh: Việt Hùng)
Ông Nguyễn Văn Tuệ phát biểu khai mạc buổi họp báo. (Ảnh: Việt Hùng)

Chủ trì buổi họp báo có Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH Bộ TN&MT, ông Nguyễn Văn Tuệ, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và tuyên truyền Lê Văn Hợp. Cùng dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ GTVT, các tổ chức phi chính phủ… cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ, Viện liên quan của Bộ TN&MT. Buổi họp báo đã thu hút gần 100 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Nhiều vấn đề được đưa ra bàn bạc

Thay mặt đoàn đàm phán Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH Bộ TN&MT, Phó Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại COP 20 đã giới thiệu về kết quả của COP 20 tại Lima Peru cũng như những đóng góp của đoàn Việt Nam.

Theo đó, COP 20 có hơn 12.000 đại biểu đến từ 186 nước trên thế giới, trong đó có 5 Tổng thống, 2 Phó Tổng thổng, 01 Thủ tướng, 02 Phó thủ tướng và 90 Bộ trưởng và đại diện cấp cao của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Qua 2 tuần của Hội nghị, đại diện các quốc gia đã thảo luận những vấn đề thuộc khuôn khổ Công ước khí hậu, Nghị định thư Kyoto, như: Thỏa thuận pháp lý toàn cầu về bến đổi khí hậu, dự kiến sẽ hoàn thiện năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2020 cho tất cả các quốc gia; Thảo luận nhằm tăng mức độ giảm phát thải của tất cả các nước, đặc biệt là các nước phát triển cho giai đoạn trước năm 2020.

Hội nghị đã thảo luận nhằm tăng mức đóng góp về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các quốc gia phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển; Xem xét sửa đổi một số điều của Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Thảo luận xây dựng các cơ chế, hướng dẫn cụ thể để thực hiện giảm phát thải thông qua chống suy thoái rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững (REDD+); xây dựng cách phương pháp luận, cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá các dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định (iNDC) đã được Hội nghị các bên thông qua tại COP19 năm 2013 và một số nội dung khác.

Đoàn Việt Nam tham dự COP 20. (Ảnh: Việt Hùng)
Đoàn Việt Nam tham dự COP 20. (Ảnh: Việt Hùng)

Bên cạnh đó còn có các thảo luận về: Cơ chế quốc tế Vacsava về Tổn thất và Thiệt hại đã được đề xuất tại COP19 tại Vacsava, Ba Lan năm 2013; Tạo diễn đàn chia sẻ các kinh nghiệm, những vấn đề mới liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp.

COP 20 thông qua 5 quyết định quan trọng

Những kết quả chính của hội nghị gồm: Thứ nhất, các bên đã thống nhất thông qua “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu”. Đây là quyết định quan trọng nhất của COP20, bao gồm 22 điều và 01 phụ lục trong đó Khẳng định thích ứng với BĐKH tiếp tục được đẩy mạnh trong Thoả thuận 2015; bày tỏ quan ngại do còn chênh lệch quá lớn giữa kết quả giảm nhẹ của thế giới thời gian qua so với yêu cầu của khoa học nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2độ C hoặc không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ; các bên cần khẩn trương hoàn thành Thoả thuận 2015 để có thể thông qua vào tháng 12/2015.

Thứ hai, các nước đã thông qua Cơ chế quốc tế Vác-sa-va về Tổn thất và Thiệt hại có liên quan tới biến đổi khí hậu nhằm triển khai quyết định của COP19, trong đó xác định thành phần, cơ cấu của Ban điều hành thực hiện Cơ chế.

Thứ ba, quyết định về Kế hoạch Thích ứng quốc gia áp dụng cho các nước chậm phát triển (khuyến khích các nước đang phát triển) thực hiện thông tin về việc xây dựng Kế hoạch Thích ứng quốc gia của mỗi nước.

Thứ tư, các quyết định về tài chính liên quan đến báo cáo tài chính, tài chính dài hạn, báo cáo của Quỹ Môi trường toàn cầu … Các Quyết định này mang tính thủ tục, ghi nhận, kêu gọi đóng góp, yêu cầu Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai công việc chung.

Và thứ năm, Hội nghị đã quyết định về thời gian, địa điểm của COP22 và các Hội nghị giữa kỳ đến năm 2020. Theo đó COP22 sẽ được tổ chức tại Moroco năm 2016; năm 2015 có các cuộc họp giữa kỳ vào tháng từ ngày 7 đến 13 tháng 2, từ ngày 01 đến 11 tháng 6 và từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12 năm 2015.

Việt Nam là nước đang phát triển thứ hai đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần

Cùng với  Singapo, Việt Nam đã đệ trình sớm Báo cáo cập nhật 2 năm một lần. (Ảnh: Việt Hùng)
Cùng với Singapo, Việt Nam đã đệ trình sớm Báo cáo cập nhật 2 năm một lần. (Ảnh: Việt Hùng)

Báo cáo của đoàn đàm phán nêu rõ, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng và tham gia tích cực trong các hoạt động của Hội nghị, bao gồm các phiên họp kỹ thuật và cấp cao. Đoàn Việt Nam đã chuẩn bị kỹ các phương án đàm phán chi tiết cho từng hạng mục của nội dung đàm phán và cử đại diện là những cán bộ có kinh nghiệm của các Bộ, ngành và các cố vấn cho Đoàn về kỹ thuật, chính sách để thực hiện phương án đàm phán tại các phiên kỹ thuật.

Về tham gia đàm phán ở cấp cao, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn đã có bài phát biểu mạnh mẽ, nêu rõ tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, các cố gắng Việt Nam ứng phó với BĐKH, các đóng góp của Việt Nam cho ứng phó BĐKH toàn cầu và nêu các đề xuất định hướng cho thảo luận xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu về BĐKH. Việt Nam cũng đã kêu gọi các nước có các đóng góp mạnh mẽ, thực chất hơn cho công cuộc chống lại toàn cầu. Trưởng đoànViệt Nam đã có các hoạt động rất tích cực ở cấp đa phương và song phương để tìm hiểu quan điểm, thúc đẩy tiến trình đàm phán BĐKH, bao gồm các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Đan Mạch, New Zealand, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Ngân hàng Thế giới, GEF và NEDO.

Về tham gia đàm phán ở cấp kỹ thuật, các cán bộ đàm phán đã tích cực tham gia các nhóm nước để xây dựng dự thảo Quyết định của Hội nghị và Thoả thuận toàn cầu về BĐKH. Đồng thời, tại các phiên họp toàn thể, đã nhiều lần có đóng góp cụ thể của Việt Nam vào hai tài liệu quan trọng này của Hội nghị.

Đặc biệt Việt Nam là nước đang phát triển thứ hai trên thế giới đệ trình Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR) lần đầu tiên của Việt Nam cho Ban Thư ký công ước khí hậu. Bản Báo cáo nêu tóm tắt các hành động của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu. Hiện mới có Nambia, Việt Nam, Singapore và Chi lê là 4 nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đệ trình BUR1 trong thời gian COP20/CMP10 lần này. Việc sớm trình BUR1 là minh chứng cụ thể, thiết thực về thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu cũng như hoàn thành nghĩa vụ của một Bên nước đang phát triển tham gia Công ước khí hậu theo Quyết định 2.CP17 của COP17.

Đại diện các Bộ, ngành Việt Nam đã mang các hoạt động, kinh nghiệm thực hiện ứng phó với BĐKH của Việt Nam đã và đang được triển khai tại Bộ, ngành mình để báo cáo, trao đổi tại hàng chục Hội thảo, tọa đàm bên lề Hội nghị. Đáng chú ý là các kinh nghiệm xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định (iNDC) và xây dựng thực hiện hoạt động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA) do Bộ TN&MT trình bày; kinh nghiệm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng do đại diện Bộ Công Thương trình bày; kinh nghiệm xây dựng và thực hiện tăng trưởng xanh do đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; các toạ đàm về hợp tác song phương, đa phương, khu vực ASEAN cho ứng phó BĐKH… Một số hoạt động, kinh nghiệm của Việt Nam đã mang lại được tiếng vang và đã được các ấn phẩm chính thức của Hội nghị đăng tải hoặc đưa tin.

Tại COP 20, Bộ TN&MT đã cùng với các nhà tài trợ UNDP và GIZ và các Bộ có liên quan triển khai xây dựng iNDC của Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào tháng 5 năm 2015 để trình Chính phủ xem xét. Bộ TN&MT sẽ cùng các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ các Quyết định của COP20 để triển khai một cách phù hợp tại Việt Nam, trong đó có Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định iNDC của Việt Nam. Đồng thời sẽ chuẩn bị kỹ để Việt Nam tham gia thảo luận xây dựng Thỏa thuận 2015, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, có đóng góp phù hợp với các quy định của Công ước khí hậu, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất.

Cam kết về tài chính của COP 20 quá thấp

Đó là 1 trong 2 điểm còn hạn chế hạn chế của COP 20. Cụ thể: Nội dung đạt được tại Hội nghị chưa đáp ứng được kỳ vọng của thế giới trước tác động ngày một rõ ràng và mạnh mẽ của BĐKH. Thời hạn các nước cần hoàn thành thoả thuận toàn cầu ứng phó với BĐKH vào tháng 12/2015 đang đến gần; tuy nhiên, ngoài việc thống nhất được 5 thành tố cơ bản của thoả thuận là thích ứng, giảm nhẹ, tài chính, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và minh bạch trong các hoạt động ứng phó, hỗ trợ, hình thức cuả Thoả thuận vẫn chưa được thông qua.

Cam kết về tài chính quá thấp so với những gì đã hứa và so với kỳ vọng của các nước đang phát triển. Cho đến nay, các nước phát triển mới cam kết đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh được 10,2 tỷ USD đến năm 2015. Đây là con số thấp hơn nhiều so với 10 tỷ USD các nước này đã đóng góp mỗi năm cho giai đoạn 2010-2012 và thấp hơn nhiều so với cam kết đóng góp nâng lên 100 tỷ USD một năm vào 2020 từ các nguồn tài chính công. Các nước đang phát triển đòi hỏi lộ trình đóng góp tài chính của các nước phát triển cần rõ ràng, minh bạch và cụ thể. Tuy nhiên đòi hỏi này vẫn chưa thực hiện được trong khi việc thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển là rất cấp bách và cần nhận được hỗ trợ tài chính.