Cứu hộ thành công 2 cá thể vượn đen má trắng

ThienNhien.Net – Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa tiếp nhận 2 cá thể Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) quý hiếm cho mục đích nuôi nghiên cứu khoa học, bảo tồn và giáo dục môi trường.

Một trong 2 cá thể vượn đen má trắng bàn giao cho Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh ngày 13/12. (Ảnh: Nguyễn Vũ Khôi)
Một trong 2 cá thể vượn đen má trắng bàn giao cho Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh ngày 13/12. (Ảnh: Nguyễn Vũ Khôi)

Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Wildlife at Risk và Vườn thú Cologne (CHLB Đức) vừa tiếp nhận từ Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh 2 cá thể Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) – một loài linh trưởng quý, có hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng thuộc nhóm nguy cấp (EN) – để phục vụ mục đích nuôi nghiên cứu khoa học, bảo tồn và giáo dục môi trường.

Hai cá thể vượn này do Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh thu giữ trên đường bị buôn bán, vận chuyển trái phép và được nuôi cứu hộ tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi từ năm 2013. Sau một thời gian nuôi cứu hộ, Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định bàn giao hai cá thể Vượn này cho Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, để phục vụ nuôi nghiên cứu khoa học, bảo tồn và giáo dục môi trường trong điều kiện sinh thái phù hợp với vùng phân bố tự nhiên của loài ở Việt Nam.

Vượn đen má trắng có tên khoa học là Nomascus leucogenys Ogilby, 1840 thuộc họ Vượn (Hylobatidae), bộ Linh trưởng (Primates). Đây là loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng được xếp vào bậc Nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ IUCN (2014). Loài này được xếp vào Nhóm IB (nhóm nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam và Phụ lục I Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Ở Việt Nam, loài Vượn đen má trắng có khu vực phân bố từ Lai Châu đến Hà Tĩnh. Những nguyên nhân đe dọa đến sự tồn tại, nguy cơ chính đe dọa tuyệt chủng, của loài Vượn đen má trắng là do mất sinh cảnh sống tự nhiên và do bị săn bắt trái phép.