Báo cáo ĐTM thủy điện Don Sahong còn nhiều lỗ hổng

ThienNhien.Net –  Đó là nhận định từ ấn phẩm “Thủy điện Don Sahong: Tác động và lỗ hổng trong đánh giá tác động môi trường” mà Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) mới xuất bản.

Ảnh: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net
Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature

Theo Tác giả Ấn phẩm – Th.S. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái ĐBSCL, Trưởng nhóm Tư vấn Quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược hệ thống đập thủy điện trên dòng chính hạ nguồn Mê Kông – đến nay phía Lào đã đưa ra hai phiên bản Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án thủy điện Don Sahong nhưng phiên bản báo cáo cập nhật đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề, chưa đáp ứng yêu cầu của một báo cáo ĐTM chất lượng.

Cụ thể, một khiếm khuyết nghiêm trọng của Báo cáo là không phân tích tác động xuyên biên giới dù đập chỉ cách biên giới Campuchia khoảng 2km và có khả năng tác động lên thủy sản toàn lưu vực.

Báo cáo ĐTM cũng chưa chứng minh được việc cá có chấp nhận đường di cư khác sau khi dòng Hou Sahong bị đóng hay không; tác động của việc thay đổi chế độ chảy đối với cá di cư sau khi xây đập cũng chưa được đánh giá. Trong khi đó, Dòng Hou Sahong có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì tính bền vững của thủy sản di cư trên toàn vùng Hạ Lưu Vực Mê Kông vì nó là dòng duy nhất hiện nay cá có thể di chuyển dễ dàng quanh năm.

Ngoài ra, tác động do nổ mìn, nạo vét trong quá trình xây dựng và lưu lượng xả tăng 17 lần khi vận hành đập trong mùa khô chưa được đánh giá trong Báo cáo ĐTM, đặc biệt là đối với cá heo ở vùng biên giới Lào-Campuchia.

Một thiếu xót trầm trọng nữa liên quan đến thủy sản của Báo cáo ĐTM là dữ liệu nghiên cứu không phân biệt loài cá, trong khi cá ở Mê Kông rất đa dạng, có ít nhất 781 loài với các kích thước rất khác nhau từ các loài cá khổng lồ đến các loài cá nhỏ; khả năng bơi, tập tính di cư, sinh sản, mùa di cư, sinh cảnh theo ngày-đêm, môi trường sống cũng rất khác nhau. Trong Báo cáo ĐTM, tác động đến luồng di cư của cá và thủy sản chỉ được mô tả chung chung cho vùng xung quanh vị trí đập.

Các biện pháp giảm thiểu tác động đưa ra trong Báo cáo ĐTM chỉ mang tính lý thuyết, hoàn toàn chưa có cơ sở và chưa được chứng minh, không hề tính đến việc chưa đủ thông tin về các đặc điểm di cư của các loài cá khác nhau.

Ngoài các vấn đề liên quan đến cá, Báo cáo ĐTM cũng được tác giả nhận định là còn nhiều lỗ hổng khi đánh giá tác động về phù sa, thủy văn, dòng chảy và chất lượng nước.

Tóm lại, theo nhận định của tác giả, Báo cáo ĐTM của đập Don Sahong hiện nay chưa đạt yêu cầu, chưa cung cấp đủ thông tin và phân tích để giúp hiểu được tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động. Để cải thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, cần phải có đánh giá khách quan, khoa học về các tác động tại chỗ, tác động xuyên biên giới, tác động tích lũy, tác động liên hoàn, về các mặt môi trường, kinh tế, xã hội. Riêng về cá, cần đánh giá tác động xuyên biên giới về đa dạng loài, sản lượng, giá trị kinh tế, xã hội, dinh dưỡng, an ninh lương thực, sinh thái, vai trò trong chuỗi thực phẩm. Các biện pháp giảm thiểu tác động hiện nay chỉ là lý thuyết, cần phải được chứng minh thuyết phục.

“Đập Don Sahong dự kiến do Công ty Mega First Coopration Berhad (MFCB) của Malaysia xây dựng, có công suất lắp máy 260 MW. Đập nằm ở vùng Si Phan Don (nghĩa là Vùng Bốn ngàn đảo, theo tiếng Lào), cách biên giới Lào-Campuchia chỉ 2 km.Tại vùng này, do địa hình phức tạp nên dòng chính Sông Mê Kông chia thành 17 phân lưu. Đập Don Sahong sẽ chặn ngang dòng Hou Sahong, là đường di cư chính của cá ở hạ nguồn thuộc lãnh thổ các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam”.