Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt: Tận dụng lợi thế, tạo cạnh tranh

ThienNhien.Net –  Ngày 3/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Thiếu quặng đủ tiêu chuẩn

Theo ông Vũ Bá Ổn – Phó TGĐ TCty Thép Việt Nam (VnSteel), hiện nay, số quặng sắt đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất thép trong nước đang rất thiếu. Điển hình, VnSteel có 2 đơn vị có lò cao là: Cty CP gang thép Thái Nguyên, giai đoạn I có sản lượng bình quân 210.000 tấn/năm, nhưng nhu cầu lại cần khoảng 400.000 tấn quặng sắt/năm. Cùng với đó, dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đi vào hoạt động từ đầu năm 2014, với công suất 500.000 tấn quặng sắt/năm, nhu cầu nội bộ khoảng 900.000 tấn/năm, do đó còn thiếu tới gần 50% phải mua ngoài.

Để đảm bảo phục vụ cho các nhà máy sản xuất trong nước, hạn chế tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg. Dù Chỉ thị số 02 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2012. Chỉ thị quy định về việc cấm XK các loại khoáng sản là: quặng sắt, đồng, chì kẽm, apatit… để dành cho việc chế biến sâu trong nước, hạn chế việc thất thoát tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, chủ trương này đã bị một số DN lợi dụng để ép giá quặng sắt trong nước, khiến các DN khai thác quặng sắt càng thêm khó khăn, không có điều kiện tái đầu tư chế biến sâu.

Việt Nam sẽ đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất 16 mỏ và đầu tư mới 35 mỏ.

Đứng ở góc độ Hiệp hội Thép, ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch VSA cho rằng, chủ trương cấm XK quặng sắt của Chính phủ là nhất quán. Trên thực tế, trữ lượng còn lại của quặng sắt trong nước không nhiều (khoảng 1,3 tỷ tấn, không tính quặng sắt laterit Tây Nguyên chất lượng thấp). Vì vậy, Chính phủ chủ trương ưu tiên cho chế biến sâu, không XK quặng gây nhiều hệ luỵ, khó kiểm soát.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Khoảng cách giữa quy định và thực tiễn

Một trong những mục tiêu của chính sách cấm xuất khẩu quặng là nhằm bảo vệ tài nguyên phục vụ sản xuất trong nước. Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu những DN trong nước nói chung và ngành thép nói riêng có tận dụng được ưu thế này để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế? Bởi vì, bất lợi đáng kể của Việt Nam là ở cạnh người láng giềng khổng lồ. Năm 2013, Trung Quốc sản xuất 780 triệu tấn thép, xuất khẩu 60 triệu tấn, trong đó khoảng 1/4 đổ vào thị trường ASEAN.

Ông Bùi Quang Chuyện – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, về khả năng cạnh tranh của các DN trong nước, trong tổng sản lượng sản xuất cả ngành năm 2013, hơn 5,5 triệu tấn thì sản xuất từ sắt thép phế liệu là 4,7 tấn, còn lại là từ quặng sắt. Hiện ngoài Hoà Phát với công suất thiết kế 800.000 tấn thép/năm từ quặng, còn 2 DN sản xuất thép từ quặng là Cty gang thép Thái Nguyên (200.000 tấn/năm) và Cty thép Hoàn Nguyên (150.000 tấn/năm). Ông cũng khẳng định, các DN sản xuất thép từ quặng do tiết kiệm được tài nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, quản lý tốt nên sẽ có lợi thế hơn so với các DN thép phải phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu.

Về quy hoạch phát triển khai thác, chế biến (tuyển quặng), giai đoạn đến năm 2020, VN sẽ đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất 16 mỏ và đầu tư mới 35 mỏ. Trong đó, phấn đấu hoàn thành xây dựng và khai thác, chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê đạt công suất 5 triệu tấn/năm (giai đoạn 1), khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Quý Xa đạt công suất 3 triệu tấn/năm (giai đoạn 2).

Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý. Công khai, minh bạch khai khoáng còn nhiều hạn chế.

Mục tiêu hàng đầu được đặt ra trong bản Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020 là từ thăm dò đến khai thác và chế biến quặng sắt phải bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của ngành luyện kim Việt Nam. Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành khoảng 25 đề án thăm dò quặng sắt, đạt mục tiêu khoảng 294 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122; đưa vào khai thác và chế biến đạt công suất thiết kế 2 mỏ quặng sắt quy mô lớn là Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai). Giai đoạn 2021 – 2030 phấn đấu tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 25 – 25,5 triệu tấn (tương ứng với 36 – 37 triệu tấn công suất).