Lồng ghép giới trong ngành công nghiệp khai thác

ThienNhien.Net – Bộ công cụ hướng dẫn về bình đẳng giới trong khai thác khoáng sản “Extracting Equality – A Guide” mới đây đã được Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) và Liên minh Công bố nhữngcác khoản chi (Publish What You Pay – PWYP) công bố.

Bộ công cụ do các chuyên gia về giới và khai khoáng trên toàn cầu của UN Women và PWUP biên soạn, trong đó đưa ra cách thức để lồng ghép vấn đề giới với hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đây là lần đầu tiên vấn đề giới và quản trị tốt tài nguyên thiên nhiên được kết hợp trong chuỗi giá trị khai khoáng.

“Extracting Equality – A Guide” được xây dựng nhằm phục vụ các đối tượng liên quan tới ngành công nghiệp khai thác như thành viên các cộng đồng địa phương, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các công ty dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng cũng như các chính phủ và các cơ quan của Liên hiệp quốc.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thường là đối tượng đầu tiên gánh chịu những tác động tiêu cực của các hoạt động khai khoáng. Bởi lẽ, ngay cả khi bị mất đất sản xuất thì những người phụ nữ vẫn phải tìm cách nuôi sống gia đình. Dòng lao động di cư do hoạt động khai thác khoáng sản và các vấn đề tiền bạc khiến phụ nữ dễ bị bạo lực tình dục hơn. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm khiến những người phụ nữ thường xuyên phải di chuyển xa hơn để lấy nước, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với nhiều mối nguy hơn.

Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Women cho rằng ngành công nghiệp khai thác có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng phải xem xét phụ nữ, nam giới vả cả cộng đồng bị ảnh hưởng như thế nào bởi các hoạt động khai thác này. Một khi các dự án được triển khai theo cách không bền vững, bao gồm cả các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, sẽ gây ra những nguy cơ thực sự cho sự ổn định xã hội, cho phát triển và tăng trưởng toàn diện và thậm chí là cả vấn đề an ninh. Do vậy, UN Women và PWUP xây dựng bộ công cụ nhằm cung cấp một phương pháp đơn giản và hiệu quả để hạn chế những nguy cơ này từ góc độ bình đẳng giới.

Phụ nữ tham gia khai thác quặng tại một mỏ antimon ở Hà Giang (Ảnh: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net)
Phụ nữ tham gia khai thác quặng tại một mỏ antimon ở Hà Giang (Ảnh: Hoàng Chiên)

Bộ công cụ sẽ đánh giá toàn bộ 12 bước của chuỗi giá trị khai thác từ khâu đầu tiên là phát hiện, đánh giá trữ lượng tài nguyên tới khâu cuối cùng là xem xét kế hoạch ngừng hoạt động của một một dự án khai thác. Với mỗi khâu, công cụ sẽ đưa ra một bức tranh rõ ràng về các vấn đề cụ thể cần xem xét và các câu hỏi cần giải đáp để đảm bảo phụ nữ không bị đặt ngoài lề của quản lý tài nguyên thiên nhiên. Các câu hỏi thường được đặt ra như: Phụ nữ có được tham vấn về các tác động của hoạt động khai mỏ? Phụ nữ cũng như nam giới có được tập huấn việc giám sát các hợp đồng khai khoáng?

“Chuỗi giá trị khai thác tập trung vào giới đặt phụ nữ vào vị trí trọng tâm của các cuộc thảo luận, đồng thời tận dụng những kiến thức và kỹ năng của họ cho phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị. Phụ nữ không còn được xem như là nạn nhân của hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà là một ứng viên có thể tham gia lập kế hoạch điều hành và quản lý tài nguyên thiên nhiên.” – Bà  Winfred Ngabiirwe, Điều phối viên PWYP tại Uganda nói.

Còn bà Marinke Van Riet, Giám đốc Quốc tế của PWUP khẳng định: “Sứ mệnh của chúng tôi là làm sao để mọi người dân đều có thể hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là để ngành công nghiệp khai thác công khai và minh bạch hơn thì cần phản ánh được nhu cầu của phụ nữ…”.