Nhiều mối quan ngại về các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến chế độ dòng chảy, chất lượng nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, thủy sản, nông nghiệp, giao thông thủy, đời sống kinh tế của hơn 20.000 người đang sinh sống tại lưu vực con sông này.

Mặc dù vậy, hiện nay kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông vẫn đang được Lào và Campuchia xúc tiến mạnh mẽ, gây ra nhiều mối quan ngại cho các nước khu vực, trong đó có Việt Nam.

Đây là một trong những thông tin vừa được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đưa ra tại hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá điều kiện nền nghiên cứu thủy điện dòng chính sông Mê Kông tổ chức sáng nay (26/11), tại Hà Nội.

Xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra những tác động tiêu cực đến chế độ dòng chảy, chất lượng nước (Ảnh: HC/VietnamPlus)
Xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông gây ra những tác động tiêu cực đến chế độ dòng chảy, chất lượng nước (Ảnh: HC/VietnamPlus)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, với việc xây dưng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam đã “chi” một khoản kinh phí lớn để mời các chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Sau 30 tháng triển khai, nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã xây dựng được những thông tin, dữ liệu tương đối đầy đủ về khí tượng thủy văn, phù sa, sinh thái, giao thông thủy và điều kiện môi trường, tự nhiên, kinh tế – xã hội của lưu vực sông.

Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn quốc tế nhận định, nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sôngMê Kông là một trong những dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc điều chính quy hoạch, quy mô và thiết kế của từng công trình và toàn bộ bậc thang thủy điện (nếu cần thiết), đảm bảo không gây các tác động bất lợi đáng kể xuống vùng hạ du.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã đánh giá định lượng tác động của các công trình thủy điện dòng chính dự kiến xây dựng ở hạ lưu vực sông Mê Công tới vùng hạ du như: Chế độ dòng chảy, vận chuyển phù sa, dinh dưỡng, đa dạng sinh học, chất lượng nước, khai thác thủy sản, hoạt động giao thông thủy…

Kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho việc điều chỉnh quy hoạch, quy mô và thiết kế của từng công trình và toàn bộ bậc thang thủy điện nếu xét thấy cần thiết, đảm bảo không gây các tác động bất lợi đáng kể xuống vùng hạ du của các nước khu vực, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, hiện nay trên dòng chính sông Mê Kông ở hạ lưu vực Mê Kông, Lào và Campuchia đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện chắn ngang sông, trong đó 9 đập ở Lào và 2 đập ở Campuchia.

Tại Lào, đập Xayaburi đã khởi công xây dựng từ tháng 11/2012, đến nay đã được khoảng 30% tiến độ và hiện nay Lào đang tiến hành tham vấn với ý định xây dựng đập thứ hai, đập Don Sahong, trên dòng chính.