Nhà máy xử lý rác… thành nơi “đổ” rác

ThienNhien.Net – Nhà máy được đầu tư trên 3,8 tỷ đồng để xử lý rác, tạo thành phân bón hữu cơ, nhưng đưa vào sử dụng được 10 tháng thì tạm ngừng hoạt động, và thế là rác tràn ngập cả khu vực.

Toàn cảnh nhà máy xử lý rác bạc tỷ bị “trùm mền”. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Toàn cảnh nhà máy xử lý rác bạc tỷ bị “trùm mền”. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Nhà máy xử lý rác thải Phú Bình, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang có diện tích 336 m2, tổng vốn đầu tư trên 3,8 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng, còn lại từ nguồn kinh phí của Sở Tài nguyên- Môi trường và Sở Khoa học- Công nghệ An Giang.

Nhà máy được thiết kế xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ ủ vi sinh kết hợp chế phẩm sinh học, công suất 5m3/ngày, đêm.

Theo quy trình, rác được phân loại và ủ trong 30 ngày, sau đó được sàng lọc thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ mới đưa vào sử dụng từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2014 thì nhà máy đã tạm ngừng hoạt động và được bàn giao lại cho Ban Công trình công cộng huyện Phú Tân.

Lý do chính là việc xử lý rác bằng phương pháp ủ yếm khí, dùng chế phẩm AM để phân hủy rác nhanh nhưng chỉ thực hiện được với rác hữu cơ mà không phân hủy được rác vô cơ.

Không nơi chôn rác vô cơ nên hằng ngày ngoài việc thu gom rác thì công nhân ở đây còn có nhiệm vụ là…đốt rác. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Không nơi chôn rác vô cơ nên hằng ngày ngoài việc thu gom rác thì công nhân ở đây còn có nhiệm vụ là…đốt rác. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Trong khi đó, nhà máy thu gom và xử lý rác của 1.600 hộ dân thuộc xã Phú Bình và Bình Thạnh Đông có cả loại rác vô cơ và hữu cơ.

Thêm vào đó, nhân công thì ít, không phân loại rác được nên đưa vào ủ không hiệu quả. Khu vực nhà máy lại không có bãi chôn lấp rác vô cơ nên lượng rác tồn đọng ngày càng nhiều không xử lý kịp.

Từ khi được giao lại cho Ban Công trình công cộng huyện Phú Tân thì hàng ngày lượng rác được thu gom về càng nhiều, khiến toàn bộ nhà máy được đầu tư tiền tỷ này dùng để… chứa rác là chính.

Theo anh Võ Văn Tha Em, nhân viên Ban Công trình công cộng huyện Phú Tân, nhà máy này hiện giờ do anh và hai người khác cùng thay phiên nhau canh giữ và làm nhiệm vụ thu gom rác, đến cuối ngày sẽ có xe chở rác của huyện xuống chở, đêm về xử lý sau.

“Thấy phí quá, nhà máy xây dựng chưa được bao lâu giờ chỉ để chứa rác. Không biết mấy ổng tính sao chứ làm kiểu này thì không ổn chút nào” – anh Tha Em bức xúc.

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Tài nguyên – Môi trường An Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 1.305 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị hiện nay phát sinh khoảng 478 tấn/ngày và ở khu vực nông thôn 827 tấn/ngày.

Đây là máy chặt bọc nhưng sau khi khai trương đã “đắp chiếu” đến nay. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Đây là máy chặt bọc nhưng sau khi khai trương đã “đắp chiếu” đến nay. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tuy nhiên, khối lượng được thu gom chỉ có 780 tấn/ngày (chiếm 60% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh), lượng chất thải rắn tự xử lý 325 tấn/ngày, còn lại chưa được thu gom 195 tấn/ngày.

“Theo tôi thì muốn xử lý rác này mấy ổng phải có hố chôn lấp rác vô cơ chứ để kiều này mùi rác bốc lên mỗi ngày xung quanh không ai chịu nổi. Anh em làm ở đây cũng chán vì lương bổng thấp quá mà phải đối diện với rác thải nguy hiểm” – anh Tha Em buồn rầu nói.

Do việc xử lý rác chưa bài bản, không khéo nơi xử lý rác thải sẽ là nơi rác bao phủ, gây ô nhiễm hơn.