Chiến lược nào cho nhập khẩu than?

ThienNhien.Net – Là nước xuất khẩu than song Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than và dự kiến sắp tới nhu cầu nhập khẩu than cho sản xuất điện là rất lớn. Than cho sản xuất điện phải tính đến sự ổn định trong hàng chục năm, tuy nhiên việc nhập than dài hạn với khối lượng từ hàng chục triệu đến hơn trăm triệu tấn/năm là vô cùng khó khăn do nguồn cung ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu than của các nước ngày càng tăng.

Tìm kiếm nguồn than NK ổn định đang là bài toán khó. (Ảnh: Hữu Linh)
Tìm kiếm nguồn than nhập khẩu ổn định đang là bài toán khó. (Ảnh: Hữu Linh)

Phải nhập khẩu than từ năm 2016

Theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030), nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn điện của Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao trong khi đó sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Như vậy, nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.

Trên thực tế, việc nhập khẩu than phụ thuộc vào tiến độ xây dựng, vận hành của các nhà máy điện. Hiện nay do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên nguồn than trong nước vẫn có thể cân đối cung ứng đủ cho năm 2015, nhưng sang năm 2016 sẽ phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn. Số lượng than nhập khẩu sẽ tăng dần từng năm và đến năm 2030 dự kiến khoảng 100 triệu tấn/năm, trong đó phần lớn là than bituminous. Là đầu mối nhập khẩu than theo sự phân công của Chính phủ, thời gian qua Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã tìm hiểu nhiều đối tác ở Indonesia, Australia, Nga, Malaysia,… và đã tiến hành nhập khẩu than thí điểm. Tuy nhiên, từ tháng 5-2011 đến tháng 3-2013, TKV cũng mới chỉ nhập khẩu 6 chuyến xà lan than với tổng trọng lượng 51.695 tấn (trung bình mỗi chuyến khoảng 7.000 – 10.000 tấn). Mới đây, tháng 8-2014, TKV cũng nhập khẩu hơn 40.000 tấn than của Nga về để phối trộn phục vụ cho một số hộ sản xuất điện.

PGS. TS Nguyễn Cảnh Nam:“Đầu tư có 2 hình thức: Hoặc đầu tư từ đầu, hoặc góp vốn vào dự án có sẵn của các nước, trong đó góp vốn vào dự án có sẵn khả thi hơn cả. Lý do là vì ngoại ngữ, pháp luật quốc tế, kinh nghiệm thương trường, tài chính của ta còn yếu, qua hợp tác góp vốn ta có thời gian học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nước. Sau khi đã có đội ngũ nhân lực tương đối, ta có thể tự đầu tư, mua mỏ để khai thác”.

“Kẹt” đầu vào 

PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, chuyên gia về năng lượng cho rằng hiện có 4 nguồn mà Việt Nam có thể nhập khẩu than gồm: Indonesia, Australia, Nga, Nam Phi. Tuy nhiên, Australia, Nga, Nam Phi dù có tiềm năng lớn nhưng địa lý xa xôi, việc khai thác, vận chuyển sẽ có nhiều khó khăn và làm tăng chi phí. Indonesia là nước xuất khẩu lớn, là quốc gia trong khối Asean, gần về địa lý nhưng các mỏ than ở đây chủ yếu là do các nước khác đã vào đầu tư khai thác, sau đó đưa về nước, Việt Nam “chen” vào cũng khó. Chưa kể, các nước xuất khẩu than đang hạn chế xuất khẩu , vì vậy việc mua than của ta càng khó khăn hơn. “Các nước có xu thế hạn chế xuất khẩu than, do nhu cầu sử dụng trong nước tăng và họ cũng muốn hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng. Hơn nữa, xu thế sử dụng than trên thế giới đang tăng cao, vì vậy sự cạnh tranh để có nguồn than ổn định ngày càng khốc liệt”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam lo ngại.

Hiện việc mua than được xác định là hết sức khó khăn. Vì vậy, bài toán đầu tư khai thác đã được tính đến song giải pháp này cũng không đơn giản. Nga đã ký thỏa thuận về nguyên tắc, mời Việt Nam sang đầu tư khai thác than tại một số vùng tiềm năng của Nga nhưng chưa triển khai được vì chưa có nguồn tài chính trong khi chi phí ở nước sở tại thường đắt đỏ. Chưa kể, việc đầu tư sẽ có nhiều rủi ro, mạo hiểm.

Liên quan đến việc các quốc gia hạn chế xuất khẩu than, một chuyên gia của Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam cho hay thời gian qua Australia liên tục thông báo về việc sẽ hạn chế đầu tư khai thác, cung cấp than vì ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy nếu muốn đầu tư vào đây cũng không phải dễ.

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL Các dự án Than Đồng bằng sông Hồng, nguồn than nhập khẩu sẽ không có nhiều lựa chọn và sẽ rất không ổn định. Đây là vấn đề quan ngại nhất. Dù nhập từ đâu đều sẽ gặp những vấn đề không nhỏ. Chưa kể hiện các cảng nhập than vẫn chỉ nằm trên giấy, đội tàu chở than không đáp ứng được tải trọng…

Cần xây dựng chiến lược nhập khẩu

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay nguồn nhập khẩu than là chưa đảm bảo. Nếu nhập khẩu hàng chục triệu tấn than trở lên, về mọi mặt cơ bản chúng ta không thể đáp ứng được. Tới đây, số lượng nhập khẩu hàng năm rất lớn, từ 50-100 triệu tấn/năm, vì vậy cần phải có chiến lược. PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam đề nghị Bộ Công Thương xây dựng chiến lược nhập khẩu than với 2 nội dung: Xây dựng chiến lược nhập khẩu và xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, vì đây là một quá trình dài nên phải làm rõ nhu cầu than cụ thể là bao nhiêu, thời gian nhập, nhập ở đâu… để từ đó xác định được sẽ nhập khẩu hay đầu tư để đáp ứng đúng thời điểm.

Hiện nay đầu mối được phân công đứng ra nhập khẩu than (TKV) mới chỉ định ra trong quy hoạch chứ chưa có cơ chế chính sách cụ thể để hoạt động hiệu quả. Đơn cử như vấn đề tài chính để nhập khẩu, những hộ sử dụng lớn phải hùn vốn trước để thành lập tổ chức nhập khẩu than, đơn vị nhập khẩu có nguồn tài chính nhập khẩu…  Hiện nay các doanh nghiệp có dự án nhiệt điện vẫn chủ động tìm hiểu nguồn nhập khẩu giá rẻ. Được biết, đầu tháng 10 vừa qua, Công ty nhập khẩu và Phân phối than điện lực Dầu khí (PV Power Coal) đã ký hợp đồng khung mua bán than dài hạn với các đối tác của Indonesia, đảm bảo nguồn than nhập khẩu trong vòng ít nhất 10 năm.

Việc các DN chủ động nhập khẩu than gây lo ngại nếu nhà nhà đi mua than sẽ dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh để mua, giá than vì thế có thể bị đẩy lên cao. Chưa kể năng lực tài chính, con người, mối quan hệ, tổ chức khai thác, vận chuyển… của từng đơn vị sẽ có sự hạn chế.

Một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo một phần lượng than cho sản xuất, Chính phủ nên đầu tư cho ngành công nghiệp khai thác than trong nước nhằm tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hạn chế tối đa việc xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam:“Với các hợp đồng đã ký, TKV đã có nguồn than để đảm bảo cung cấp than theo tiến độ đã cam kết với các chủ đầu tư. Mới đây, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc với EVN để cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4; đồng thời đang tiếp tục đàm phán với các chủ đầu tư để cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy điện khác. Về lâu dài nhu cầu nhập khẩu than than sẽ tăng cao, nhất là những năm sau 2018-2020. Với sản lượng nhập khẩu cao như vậy, ngoài ký kết hợp đồng nhập khẩu với các nhà cung cấp, cũng cần tính đến việc hợp tác khai thác than ở nước ngoài. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số nước có nguồn tài nguyên để hợp tác khai thác, nhằm chủ động hơn về nguồn cung và duy trì được sự ổn định lâu dài cho các nhà máy điện”.PGS.TS. Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng (VEA):“Về nguồn than cho nhiệt điện, đề nghị với khả năng than nội địa (trên 52 triệu tấn), nên nghiên cứu cân đối lại nhu cầu than cho các ngành, kể cả xuất khẩu giai đoạn đến 2015, đảm bảo chưa nhập than. Để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy nhiệt điện, theo tôi cần đầu tư thích đáng hơn để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm và khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng, đồng thời nghiên cứu việc đầu tư than ra nước ngoài sớm, thực tế vừa qua cho thấy không dễ nhập than khối lượng lớn”.

Hoài Anh (ghi)