ĐBSCL: Nông nghiệp phải thay “chất”

ThienNhien.Net – Đây là kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại Sóc Trăng ngày 5/11.

Tăng chất giảm lượng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đây là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển, địa bàn nông thôn rộng lớn. Đây cũng là khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hàng năm, vùng này cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, đóng góp hơn 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả nước.

Tuy nhiên, việc sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn nhiều  trở ngại, khó khăn và thách thức. Kỳ tích xuất khẩu lúa gạo của vùng ĐBSCL ngày càng tăng, nhưng giá trị các năm gần đây liên tục tụt giảm. Đặc biệt  đời sống nông dân tuy có cải thiện nhưng không hề khá lên, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao do thu nhập của người trồng lúa thấp và bấp bênh.

Mặc dù Chính phủ đã có nghị quyết bảo đảm tối thiểu người trồng lúa có lợi nhuận 30% nhưng do bình quân diện tích của mỗi hộ trồng lúa ít, giá cả vật tư phân bón nông nghiệp luôn tăng cao, thị trường gạo thế giới có nhiều biến động, trong khi đó ở ngành hàng lúa gạo sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ.

Nhiều vùng tôm tại ĐBSCL còn thiếu hạ tầng lưới điện (Ảnh: Trường Ca/BIZLIVE.vn)
Nhiều vùng tôm tại ĐBSCL còn thiếu hạ tầng lưới điện (Ảnh: Trường Ca/BIZLIVE.vn)

Bên cạnh đó, do sản xuất manh mún, không theo tín hiệu thị trường nên chất lượng gạo nói riêng và chất lượng nông sản nói chung không đồng đều và chất lượng chưa cao, đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, ngành lúa gạo ở ĐBSCL cũng đang đối mặt với những khó khăn về hạ tầng, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp diễn ra chậm chạp so với yêu cầu thực tiễn.

Liên quan đến thách thức với sản xuất nông nghiệp của vùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Dương Quốc Xuân cho biết: ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước; Nhưng  vùng có địa bàn nông thôn rộng lớn và cũng là khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi đó, xu thế hội nhập, yêu cầu phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức đối với các tỉnh trong vùng.

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, Trần Thanh Nam đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đã và đang gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm sự đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng.

Chi phí sản xuất nhiều loại nông sản ngày càng cao cũng bắt đầu làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là vấn đề cần được cả hệ thống chính trị phải quan tâm để tiếp tục phát triển có năng suất, chất lượng và hiệu quả bền vững.

Liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ nhìn nhận, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp là nhiệm vụ lớn không chỉ là công việc của các nhà kinh doanh, mà phải từ người sản xuất, bất kể đó là nhà máy chế biến của doanh nghiệp hay nông dân.

Theo ông Dũng, tất cả phải tham gia vào thị trường, tìm mọi cách mở rộng thị trường, làm tăng sức cầu. Nhà nước tạo ra thể chế chính sách phát triển thị trường chứ không phải là người tiêu thụ hàng hóa, cũng không phải là nhà cứu trợ thường xuyên khi có trục trặc giữa cung cầu. Nhưng nhà nước phải làm tốt công việc của mình bảo đảm vận hành của thể chế thị trường, cung cấp thông tin, dự báo và công tác quy hoạch.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng kinh tế – Ban chỉ đạo tây Nam Bộ phát biểu: Đề án tái cơ cầu nông nghiệp vùng ĐBSCL, cần phải là đề án tái cơ cấu chung, không thể mỗi tỉnh – thành có một dự án riêng. Như vậy, liên kết vùng phải được đề cao, nhưng chưa cơ cơ chế, lại không có chính quyền vùng chỉ huy.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, tái cơ cấu thực ra là tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp. Trước hết, cần xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm để định hướng người dân canh tác theo chuổi giá trị, có đầu tư hàm lượng chất xám cao, trên cơ sở quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, khu vực canh tác khác nhau.

“Chấm dứt việc sản xuất tự phát của nông dân, phải theo quy hoạch cụ thể từng nơi, chứ trồng rồi chặt thì nông dân gặp khó lắm! Song song đó, chúng ta phải liên kết chuổi giá trị, quy hoạch vùng, tìm thị trường đầu ra, xem người ta cần con gì, tiêu thị cái gì? Hướng tới, cần tập trung sản xuất ra những sản phẩm nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như quan tâm khâu cơ giới hóa, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, sản xuất phải gắn với công tác đầu tư xây dựng nhà kho bảo quản, nhà máy chế biến sản phẩm đảm bảo trước khi cung cấp cho thị trường”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.

Tuy nhiên ông Xuân cũng hài hước nói: Gần 40 năm hòa bình, nhưng nông dân vẫn tự phát “trồng chặt” thỏa thích. Dịch vụ kỹ thuật không cạnh tranh với các nước,”mạnh ai lấy làm, đến mùa mát giá mang ra cầu ông Lãnh”

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người nông dân được nhanh và bền vững hơn. Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là thay đổi cây trồng vật nuôi, mà phải điều chỉnh những hợp phần có tính chất cơ cấu, lâu dài, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Đặc biệt, phải thay đổi từ tư duy, cách làm của nông dân. Chúng ta phải nỗ lực tăng sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững cho nhà nông. Muốn vậy, phải chú trọng và phát triển thị trường, hỗ trợ nông dân nhanh chống thích ứng với biến đổi và nhu cầu thị trường. Cùng với đó là quan tâm chuyển giao và hỗ trợ nông dân khoa học công nghệ, kể cả nông nghiệp công nghệ cao”.

ĐBSCL có trên 3,8 triệu héc – ta đất nông nghiệp chiếm 27,2% so với cả nước, trong đó diện tích trồng lúa là 52%, có hệ sinh thái đa dạng: Ngọt, lợ, mặn đan xen. ĐBSCL có mức đóng góp 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, 53,4% sản lượng thóc, 70% sản lượng trái cây, 68,7% sản lượng thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước.