Bế tắc tranh cãi quanh đập Xayaburi

ThienNhien.Net – Mới đây, Liên minh Cứu sông Mekong ủng hộ việc Mạng lưới người Thái thuộc 8 tỉnh trên lưu vực sông Mekong gửi tới Tòa án Hành chính Thái Lan lời kêu gọi ra phán quyết đình chỉ Hợp đồng mua bán điện (PPA) từ con đập Xayaburi xây dựng hạ nguồn dòng chính sông Mekong.

Với người Thái, đây là cuộc tranh cãi mang tính chất xuyên biên giới đầu tiên để bảo vệ môi trường và nguồn nước ở trong nước. Tuy nhiên, trong chính nội bộ nước này vẫn đang tồn tại những cuộc tranh cãi dai dẳng về vấn đề hồ đập.

Một chuyên gia của Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan giới thiệu về thủy văn các con sông ở Chiang Mai (Ảnh: Dân Việt)
Một chuyên gia của Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan giới thiệu về thủy văn các con sông ở Chiang Mai (Ảnh: Dân Việt)

17 năm bảo vệ một ngôi làng

17 năm trước, ngôi làng Mea Khannin Tai- nằm cách TP.Chiang Mai khoảng 30km, lọt thỏm trong vùng đồi núi trập trùng được quy hoạch vào vùng dự án làm đập thủy điện Mea Khan.

Nhìn vào bản đồ thủy văn do ông Noppadon Kowsuvon- Trưởng ban Thủy lợi, Đường bộ và Giao thông Vận tải (của Văn phòng khu vực thủy lợi I) thuộc Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan giới thiệu thì từ tháng 7 đến 12 hàng năm, nước ở các con sông trong vùng dâng lên cao gây úng ngập. Chính phủ Thái Lan quyết định xây dựng 3 công trình hồ thủy điện và trị thủy Mea Ngad, Mea Tang, và Mea Kwung; được liên thông bằng hệ thống hầm ngầm lớn nhằm điều hòa nước tưới tiêu, thủy điện (trong đó có đập thủy điện Mea Khan) và kiểm soát ngập úng cho thành phố Chiangmai. Khoảng 1.960 ngôi nhà trong khu vực Công viên quốc gia Ob Khan và 1.100 hộ dân, trong đó có 60 hộ dân của làng Mea Khannin Tai sẽ nằm trong lòng hồ.

Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, người dân làng Mea Khannin Tai đã phản đối bởi theo họ, hàng ngàn đời nay, người dân giữ rừng, chính là giữ nguồn nước cho các con sông. Vào mùa lũ, hàng bao đời nay, nước sông vẫn ngập và người dân đã học cách sống chung với việc ngập lụt đó. Họ kiếm sống bằng nguồn lợi thủy sản theo mùa lũ, trồng cấy theo con nước.

Trên con đường tới ngôi làng Mea Khannin Tai trong một chiều mưa, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống hết sức hoang sơ và thanh bình của một ngôi làng. Chính giữa làng, một ngôi chùa đang được xây dựng, người dân trong làng kéo đến chùa làm các công việc lắp ghép, dựng chùa và dọn dẹp. Tiếp chúng tôi trong chính khuôn viên chùa, với khuôn mặt rất bình thản, ông Pun Chankaew, trưởng làng Mea Khannin Tai nói: “Họ nói con đập sẽ bảo vệ cho chúng tôi trong mùa lũ, nhưng chúng tôi đâu cần bảo vệ. Dân cư chúng tôi sống nhờ lũ và đã học được cách sống hiền hòa với những con sông, những cánh rừng. Dự án này hoàn toàn không có tác dụng nâng cao đời sống của chúng tôi mà chỉ có mục đích là tham nhũng và phá rừng”.

Làng Mea Khannin Tai nằm sâu trong núi và đường lên khá dốc, khó có thể tưởng tượng khi một con đập được đắp ngang cách làng 12km, cả khu vực này sẽ chìm sâu vào biển nước. Và càng khó tưởng tượng hơn nữa là ngôi làng có vẻn vẹn 60 hộ dân này lại “dám” tranh cãi với chính quyền. Thực tế, trong 17 năm qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần thuyết phục người dân nhường đất cho thủy điện nhưng bất thành. Hàng chục tiến sĩ ngành thủy lợi, thủy điện đã tới đây nghiên cứu, thực hiện những đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động đời sống xã hội, và cuối cùng công nhận người dân có lý.

Theo Sayan Knamnueng- một thanh niên trẻ trong làng, không phải người dân nơi đây không hiểu rằng muốn phát triển kinh tế thì phải có năng lượng, có điện. Nhưng anh cũng bày tỏ quan điểm: “Thủy điện chỉ chiếm một phần nhỏ trong cung cấp năng lượng của Thái Lan; và cách trị thủy có thể dùng nhiều phương pháp khác như be đập theo cách truyền thống, và xây nhiều đê đập nhỏ; thay vì chôn vùi cả một vùng dân cư và thiên nhiên (bao gồm một phần công viên quốc gia) xuống hồ chứa”.

Thế nhưng, cho tới nay, dự án vẫn chỉ tạm dừng chứ chưa đình chỉ, các chủ đầu tư xây dựng đập thủy điện đó vẫn vận động để dân làng thay đổi ý kiến, nhường mảnh đất họ đã sinh sống ngàn đời trên đó.

Những tiếng nói cứu rừng

Trở lại câu chuyện dự án Thủy điện Xayaburi. Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT) đã ký kết PPA năm 2011 mua 95% lượng điện do dự án này tạo ra và hợp đồng này đã được các cơ quan chức năng của Chính phủ Thái Lan phê chuẩn. Nếu không có PPA này, dự án Xayaburi sẽ không khả thi về mặt kinh tế.

Tuy nhiên EGAT gần đây đã công khai thừa nhận rằng họ không cần đến lượng điện được tạo ra bởi dự án. Các nghiên cứu độc lập kết luận EGAT đã dự tính quá mức nhu cầu điện năng của Thái Lan và cơ quan này cũng không nghiên cứu các phương án phát điện có tiềm năng rẻ hơn hoặc xanh hơn.

Thừa nhận này đã dấy lên quan ngại ở Thái Lan là EGAT đã không thực hiện đánh giá tác động môi trường (EIA) tại Thái Lan cho đập Xayaburi, cũng như chưa tiến hành tham vấn công khai một cách đầy đủ

Từ ý kiến của các chuyên gia về đập Xayaburi, Tòa án hành chính tối cao Thái Lan đã đưa ra phán quyết rằng: “Dự án Xayaburi có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nước, lưu lượng dòng chảy và sự cân bằng sinh thái của lưu vực sông Mekong cũng như các tác động xuyên biên giới khác đối với các nước ven sông, đặc biệt là với các cộng đồng địa phương tại các tỉnh ven sông của Thái Lan”.

Với các chuyên gia nghiên cứu về môi trường ở trong khu vực sông Mekong thì vấn đề nổi cộm nhất là các dự án thủy điện trên lưu vực sông này hầu như chưa có đánh giá tác động về mặt văn hóa, xã hội, sinh kế trong nội vùng và đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới. Ông Jeff Rutherford-chuyên gia về phát triển bền vững Thái Lan (thuộc Tổ chức Internews) bày tỏ quan ngại Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam đã mất 1/3 rừng nguyên sinh trong vòng có 35 năm vì các dự án thủy lợi, thủy điện. Liệu các nước này có giữ được 10-20% rừng nguyên sinh vào năm 2030, nếu không có những đánh giá toàn diện để giữ rừng, cân bằng giữa năng lượng để phát triển và giữ môi trường sống?

Về vụ kiện nói trên của Thái Lan và trường hợp của làng Mea Khannin Tai cho thấy, người dân Thái Lan đang có tiếng nói khá mạnh mẽ trong các dự án liên quan tới thủy điện, hồ đập.

Liên minh Cứu sông Mekong thì khẳng định: “Vụ kiện này đặt ra một tiền lệ cho các quyết định trong các hợp đồng năng lượng với những tác động xuyên biên giới, với trách nhiệm tiến hành tham vấn một cách có ý nghĩa và đánh giá tác động xuyên biên giới. Chúng tôi kỳ vọng rằng vụ kiện này sẽ là vụ kiện đầu tiên trong số những vụ kiện tiếp theo và chúng tôi kêu gọi Tòa án Hành chính Thái Lan nhanh chóng đưa ra quyết định”.

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng và trị thủy, một dự án quốc gia lớn được phê duyệt với tổng kinh phí 350 tỷ Baht Thái (10,84 tỷ USD) cho 28 dự án đập và hồ trị thủy được quy hoạch trên các sông Ping, Yom, Nan, Sakae Krang, Pasak khắp Thái Lan. Tất cả các dự án này được dự kiến hoàn thành trong 5 năm.
Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan