Khẩn trương hướng dẫn xử lý chất thải nguy hại PCB

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản và phổ biến cụ thể đến các địa phương tài liệu kỹ thuật hướng dẫn việc thu gom, cô lập, cất giữ và vận chuyển dầu biến thế nhập khẩu và chất thải nguy hại chứa PCB trước khi loại chất thải nguy hại này được chuyển đến cơ sở có chức năng xử lý triệt để.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình cất giữ, vận chuyển chất thải có chứa PCB của Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin đến khi xử lý triệt để lượng chất thải chứa PCB.

Các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động xác định, cô lập và lập phương án xử lý các trang thiết bị, chất thải có nhiễm PCB trong phạm vi quản lý.

PCB là từ viết tắt của các chữ tiếng Anh Polychlorinated Biphenyls, là một trong 22 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định trong công ước Stockholm sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028 tại Việt Nam; PCB là hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh tại phụ lục II, Nghị định 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

PCB là hóa chất có độc tính thuộc nhóm 2A là nhóm có khả năng gây ung thư, được coi là “sát thủ vô hình” với sức khỏe con nguời. Con người bị phơi nhiễm PCB qua các con đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc qua da.

PCB có thể gây ra các ảnh hưởng cấp tính và mãn tính đối với sức khỏe. Trong trường hợp cấp tính, cơ quan đầu tiên bị PCB gây tổn thương là gan. PCB gây thương tổn cấp tính như nổi mụn, cháy da và bỏng mắt. Với trường hợp mãn tính, PCB có thể tồn tại lâu dài trong mô mỡ và tích lũy trong cơ thể, gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe như ung thư, tác động đến hệ nội tiết (rối loạn nội tiết) và phát triển của trẻ nhỏ (ảnh hưởng đến hệ thần kinh, chỉ số IQ).