Quảng Bình: Nạo vét hơn 2,2 triệu m³ cát tại cửa sông Nhật Lệ khiến dân lo lắng

ThienNhien.Net – Ngày 21/10, Công ty đường thủy Quảng Bình cho biết, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã ký hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoàng Kim Việt (gọi tắt công ty Hoàng Kim Việt) nạo vét luồng vào cửa sông Nhật Lệ hơn 2,2 triệu m³ khối cát khiến người dân lo lắng vì khối lượng cát đưa đi quá lớn.

Đầu năm 2010 khi cảng Nhật Lệ còn nằm trong quy hoạch hệ thống cảng Việt Nam thuộc quản lý của Cục hàng hải thì các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực sông biển Việt Nam (Viện khoa học thủy lợi Việt Nam) lập công trình: “Đánh giá sơ bộ điều kiện tự nhiên, khả năng bồi lấp cửa sông, luồng tàu vào cảng Gianh, Nhật Lệ và đề xuất giải pháp giảm thiểu”. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu dòng chảy, chế độ bồi lấp đã đưa ra giải pháp nạo vét bằng nguồn lực xã hội hóa với khối lượng cát đưa đi là 280.000 m³.

Chiến lược đưa ra từ bản đề án này là giúp tàu hơn 200 tấn cập cảng mà vẫn bảo vệ được bán đảo Bảo Ninh, bờ biển Nhật Lệ tuyệt đẹp và hồ nước ngọt Bàu Tró cách biển chưa đầy 1km.

Nạo vét hơn 2,2 triệu khối cát tại cửa sông Nhật Lệ khiến người dân lo lắng (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Nạo vét hơn 2,2 triệu khối cát tại cửa sông Nhật Lệ khiến người dân lo lắng (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Tuy nhiên, sau năm 2010, cảng Nhật Lệ bị xóa sổ, cầu cảng trở thành công viên Nhật Lệ. Chỉ còn tàu thuyền ngư dân sử dụng thoải mái. Luồng lạch được bàn giao Cục đường thủy nội địa quản lý. Từ đó, đơn vị này ký hợp đồng số 0506/2014/HĐ-NVTT với công ty Hoàng Kim Việt do ông Võ Minh Hùng làm giám đốc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa sông ra biển trên sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình. Tổng khối lượng nạo vét là 2.221.014m³ cát. Độ cao đáy thọc sâu đến -5,5m, chiều rộng luồng mở toang lên 100m, mái dốc đến 7m, chiều dài nạo vét khoảng 3km. Với chiều dài này, các nhà khoa học trước đó khuyên chỉ nên nạo vét 280.000m³ cát. Giá trị hợp đồng mà Cục đường thủy nội địa ký gần 131 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa, nhà thầu tận thu cát mặn, xuất bán sang Singapore và nộp Cục đường thủy nội địa 6,5 tỷ đồng.

Người dân Quảng Bình lo lắng, lượng cát lấy đi quá lớn, bán đảo Bảo Ninh sẽ rỗng chân và sụt cát nghiêm trọng. Trong khi đó, bãi biển Nhật Lệ tuyệt đẹp có nguy cơ xâm thực, hồ nước Bàu Tró là di chỉ khảo cổ quan trọng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện người dân tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ GTVT nên cân nhắc nghiên cứu kỷ lưỡng việc nạo hút cát tận thu ở cửa Nhật Lệ nhằm đảm bảo sự tồn tại của bãi biển Nhật Lệ được bền vững và bán đảo Bảo Ninh không bị xâm thực.