Minh bạch trong công nghiệp khai thác

ThienNhien.Net – Trước thực trạng quản lý hoạt động khai khoáng chưa hiệu quả làm lãng phí nguồn thu, Việt Nam đang hướng tới việc tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), một cam kết mang tính quốc tế đã được 45 quốc gia tham gia.

Theo bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, Việt Nam cần sớm quyết định tham gia thực thi EITI bởi sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tốt và hiệu quả hơn những quy định pháp luật hiện hành thông qua cơ chế công khai, minh bạch.

211014_eitiBà có thể cho biết một số nét chính của EITI phù hợp với yêu cầu thực tiễn của trực trạng khai khoáng ở Việt Nam? 

Bà Trần Thanh Thủy: EITI có mục tiêu là thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị tốt công nghiệp khai thác trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Nguyên tắc chung của EITI là đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của bên liên quan bao gồm Nhà nước, DN và cộng đồng trong quản trị công nghiệp khai thác.

Theo đó, một số thông tin liên quan đến công nghiệp khai thác phải được công khai dưới sự giám sát của hội đồng của các bên liên quan. Chính phủ cũng phải công khai các khoản thu từ DN khai khoáng và DN phải công khai các khoản đã nộp cho Chính phủ dưới sự giám sát của hội đồng các bên.

Theo bà, với những thực trạng và nguy cơ gì của Việt Nam khiến chúng ta cần sớm tham gia Sáng kiến minh bạch này?

Bà Trần Thanh Thủy: Các nghiên cứu và thực tế đều cho thấy việc phát triển công nghiệp khai thác ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề từ giai đoạn cấp phép, giám sát sản lượng, quản lý DN Nhà nước cho đến việc sử dụng nguồn thu từ khai thác khoáng sản.

Ví dụ như đối với quản lý nguồn thu, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, bởi vậy, quốc gia phụ thuộc tài nguyên thường phải xây dựng chiến lược dài hạn và những chính sách cụ thể về việc sử dụng nguồn thu nhằm đảm bảo chia sẻ công bằng giữa các thành phần trong xã hội và giữa các thế hệ.

Ở Việt Nam, nguồn thu từ khai thác dầu khí và khoáng sản chiếm khoảng 25% ngân sách Nhà nước nhưng lại chưa có hệ thống quản lý riêng và những quy định riêng về việc sử dụng nguồn thu từ khai thác tài nguyên. Do những đặc thù phức tạp của việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên nên việc tham gia EITI là một việc cần thiết.

Tuy nhiên, việc thực thi EITI ở Việt Nam sẽ gặp những thách thức như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thanh Thủy: Có thể nhìn thấy thách thức ở cả ba khu vực DN, Nhà nước và cộng đồng. Đối với DN, DN sẽ gặp khó bởi hiện dữ liệu địa chất không chính thức, DN cũng thiếu thông tin về những DN khác đang cùng xin cấp phép, những điều này dẫn đến rủi ro cho DN là có thể không được cấp phép. Ngoài ra, DN cũng phải chịu hệ thống hành chính quá phức tạp và những rủi ro về sự phản kháng của cộng đồng địa phương.

Đối với khu vực Nhà nước, dữ liệu địa chất không chính xác dẫn đến thất thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu giá khoáng sản. Cơ quan Nhà nước cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn được DN tốt do thiếu thông tin và những khó khăn khác do thiếu cơ chế phối hợp với các bên liên quan. Những thách thức đối với cộng đồng là người dân không được tham vấn trong quá trình cấp phép và có nguy cơ phải chịu những tác động của môi trường và xã hội do việc khai thác tài nguyên mang lại.

Bà có khuyến nghị gì về việc Việt Nam tham gia EITI?

Bà Trần Thanh Thủy: Việt Nam không được xếp vào danh sách những quốc gia giàu tài nguyên. Song, nghịch lý hiện nay là Việt Nam đã và đang khai thác khá lãng phí nguồn tài nguyên rất hạn hẹp này.

Mặc dù còn những thách thức nhưng EITI sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tốt và hiệu quả hơn những quy định pháp luật hiện hành thông qua cơ chế công khai, minh bạch. Theo tôi, để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, Việt Nam cần sớm quyết định tham gia thực thi EITI và đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị để có thể trở thành quốc gia ứng viên và sau đó là quốc gia tuân thủ EITI.

Xin cảm ơn bà!