Càng công khai, đồng thuận càng cao

ThienNhien.Net – Việc sớm công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến đóng góp của người dân sẽ góp phần tạo sự đồng thuận từ dư luận xã hội, tạo môi trường thuận lợi để dự án sớm đi vào triển khai đồng thời cho thấy sự minh bạch của cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều dự án lớn trên địa bàn TPHCM gặp trở ngại trong quá trình triển khai do người dân phản ứng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu minh bạch, công khai thông tin cho người dân trước khi triển khai dự án.

Đốn hạ hàng cây trên đường Nguyễn Huệ để thi công dự án tàu điện ngầm Metro số 1 (Ảnh: Phan Hoàng/Chinhphu.vn)
Đốn hạ hàng cây trên đường Nguyễn Huệ để thi công dự án tàu điện ngầm Metro số 1 (Ảnh: Phan Hoàng/Chinhphu.vn)

Từ chợ Tân Bình… tới Thương xá Tax

Dự án xây mới chợ truyền thống Tân Bình là một ví dụ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi UBND quận Tân Bình tổ chức họp báo công bố thông tin, dự án này đã buộc phải tạm ngưng vì “vấp” phải những ý kiến phản đối của hàng nghìn tiểu thương trong chợ.

Trước đó, nhằm đáp ứng mục tiêu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quận Tân Bình giai đoạn 2010-2015, UBND TPHCM cho phép quận Tân Bình cải tạo, nâng cấp sửa chữa chợ truyền thống Tân Bình thành trung tâm thương mại dịch vụ đa năng, hiện đại.

Chưa kịp mừng vì Thành phố sắp có thêm một khu phức hợp Trung tâm thương mại – Chợ đa năng, ngay khi thông tin trên được công bố, cơ quan chức năng TPHCM phải đau đầu giải quyết những rắc rối khi dự án “vướng” phải sự phản đối của hàng nghìn tiểu thương đang kinh doanh tại đây. Vụ việc chỉ tạm thời lắng xuống khi UBND quận Tân Bình công bố “tạm ngưng dự án để tiếp tục nghiên cứu”.

Nhiều tiểu thương tại chợ Tân Bình cho biết, họ hoàn toàn không nắm được bất kỳ thông tin nào cho đến khi UBND quận Tân Bình tổ chức họp báo công bố dự án. Những người dân đang kinh doanh tại đây cũng không được tham gia đóng góp kiến về phương án thực hiện, thông tin quy hoạch, phương án đền bù… của dự án nói trên.

Ngoài chợ Tân Bình, nhiều dự án khác của Thành phố cũng lần lượt gây “sóng” trong dư luận ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện. Ví dụ như việc người dân xót xa khi hàng loạt cây cổ thụ bị đốn hạ nhằm phục vụ thi công dự án tàu điện ngầm hay những ồn ào xung quanh vấn đề bảo tồn Thương xá Tax, một biểu tượng của TPHCM.

Minh bạch thông tin là cốt lõi của vấn đề

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), khoan hãy nói về lợi ích, về hiệu quả đến đâu khi chợ truyền thống mới được đưa vào sử dụng, với việc triển khai dự án một cách “áp đặt”, UBND quận Tân Bình đã khiến người dân bị bất ngờ, dẫn đến phản ứng lại một cách tiêu cực.

Vị chuyên gia này cho rằng, sự thiếu minh bạch và không công bố rộng rãi thông tin tới người dân đang là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt dự án lớn tại TPHCM khó triển khai.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho biết, việc lấy ý kiến của người dân khi xây dựng quy hoạch, công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt, khi thực hiện dự án, dự thảo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng… đều đã được quy định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, không phải địa phương, đơn vị nào cũng làm được tốt những việc nêu trên.

Nhiều đơn vị khi tổ chức thông tin dự án còn sơ sài, không đến nơi đến chốn nên không đến được với người dân. Có nơi chỉ treo bản đồ, không thuyết minh cặn kẽ, không giải thích rõ ràng, không tổ chức hội nghị phổ biến. Nhiều nơi thậm chí chỉ phổ biến cho tổ trưởng, trưởng khu phố hoặc các đoàn thể nên thông tin đến với dân chưa chính xác, thậm chí sai lệch khiến người dân hiểu lầm.

Theo ông Sơn, việc công khai thông tin quy hoạch, xin ý kiến đóng góp của người dân trước khi thực hiện các dự án lớn cần đặc biệt chú trọng. Điều này không những góp phần tạo sự đồng thuận từ dư luận xã hội, tạo môi trường thuận lợi để dự án sớm đi vào triển khai mà còn cho thấy sự công khai, minh bạch của cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng những công trình trọng điểm.

Giới chuyên gia cho rằng thông tin dự án, quy hoạch ra sao còn tùy theo điều kiện của từng địa phương mà có cách làm cụ thể. Có thể là thông tin trên báo đài, thông báo trong cuộc họp trực tiếp hoặc bằng tờ rơi để người dân tham gia đóng góp ý kiến.

Khi thực hiện những công đoạn của dự án có ảnh hưởng đến cảnh quan, cuộc sống người dân (như chặt cây, làm rào chắn, làm khuất mặt tiền cửa hàng gây khó khăn trong việc buôn bán…) thì chủ đầu tư phải thông báo trước nhiều ngày để người dân biết. Từ đó những người bị ảnh hưởng có thể lên kế hoạch sắp xếp cuộc sống, kinh doanh sao cho phù hợp.

Mặt khác, để người dân quan tâm, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công cũng có thể thực hiện một số việc như lắp đồng hồ đếm ngược đến thời điểm dự án hoàn thành, chụp ảnh mô hình dự án để trưng bày ở nơi sẽ thực hiện cho người dân đóng góp ý kiến…