Khi doanh nghiệp “ngó lơ” nông dân

ThienNhien.Net – Chuyện nông sản được mùa, mất giá đã thành điệp khúc ở ĐBSCL, tạo ra hệ lụy là nông dân “chạy theo đuôi thị trường”. Thấy cây con gì có giá đua nhau trồng, dẫn đến dư thừa, rớt giá, nông dân chuốc lấy “chua cay”. Còn ngành chức năng cứ loay hoay quy hoạch theo kiểu “cục bộ địa phương”.

Giữa tháng 10-2014, nông dân Hậu Giang thu hoạch mía trong thấp thỏm lo âu khi giá thấp lè tè. Cụ thể, giá mía cây tại rẫy chỉ dao động khoảng 880 đồng/kg. Đây là mức giá mà những nông dân trồng mía phải thay thế giống mía mới đạt 10 chữ đường. Với ngưỡng này gần 9 tháng trồng mía nông dân chỉ lãi 10 triệu đồng/ha. Những năm qua, giá mía ở mức thấp nông dân Hậu Giang đã phá bỏ hơn 1.000ha đất liếp trồng mía chuyển sang cây trồng khác.

Gần hơn, câu chuyện nông dân Hậu Giang, Sóc Trăng ban bỏ liếp mía, nông dân Bến Tre đốn hạ những hàng dừa đã gắn bó bao năm để trồng các loại cây trồng khác đã phản ánh phần nào điệp khúc “được mùa, mất giá” nông sản ở ĐBSCL. Mới nhất là nông dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng “dở khóc, dở cười” vì tồn đọng hàng chục ngàn tấn hành tím hay hàng ngàn người nuôi cá tra ở ĐBSCL “gánh lỗ” khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg cá nuôi thương phẩm từ đầu năm 2014 là một “vết cứa” nhức nhối cho tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Công nhân chế biến cá tra (Ảnh: Thanh Tra)
Công nhân chế biến cá tra (Ảnh: Thanh Tra)

Nhìn lại những mặt hàng nông sản, thủy sản vừa kể đều có một điểm chung: Một thời hoàng kim, rồi nhanh chóng “đứt đoạn”. Mặt hàng cá tra, cá basa một thời “lên ngôi” được xem mũi nhọn kinh tế của nhiều địa phương. Nhiều lần mặt hàng cá da trơn phi-lê bị rơi vào vòng “kiện tụng”, tưởng đâu khó khăn sẽ chồng chất nhưng cả nông dân và doanh nghiệp đều chung lòng để vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, sự phát triển “nóng vội” từ người nuôi đến các cơ sở chế biến thủy sản “mọc lên như nấm sau mưa” đã làm rối tung chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu. Các nhà quản lý thì lúng túng từ quản lý quy hoạch đến việc kiểm soát sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản; còn doanh nghiệp thì “đấu đá bẩn” để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu theo kiểu hạ giá. Đó là những nguyên nhân chính làm cho mặt hàng “mũi nhọn” kinh tế cá da trơn trở nên bấp bênh liên tiếp trong 3 năm trở lại đây.

Có thể nói một trong những “rạn nứt” nghiêm trọng nhất giữa khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL là nông dân và doanh nghiệp – hai chủ thể chính trong quá trình xác lập tiêu thụ và phân phối – chưa gắn kết “cùng hội, cùng thuyền”. ĐBSCL có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa/năm, 800.000 ha nuôi thủy sản, 300.000 ha trồng cây ăn trái. 3 mặt hàng chủ lực này gần như đều trông cậy vào thị trường xuất khẩu. Lâu nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thì luôn muốn nguồn cung dồi dào để mua với giá có lợi nhất (theo hướng thấp nhất có thể), còn nông dân thì muốn bán với giá cao nhất – hai “mong muốn” này luôn đối chọi nhau thay vì ngồi lại để thương thảo, hợp tác làm ăn lâu dài.

Tất nhiên, sự “đối chọi” này nông dân luôn là người thiệt thòi. Nhưng khi doanh nghiệp lạm dụng chuyện “nắm cán dao” ép nông dân nhiều năm sẽ dẫn tới hệ lụy nông dân “treo hầm, treo vuông” nuôi cá tra, nuôi tôm. Mối liên kết rời rạc giữa nông dân và doanh nghiệp cũng là một phần nguyên nhân để thương lái Trung Quốc “tung chiêu” thu mua nông sản như khoai lang ở những thời điểm cục bộ với giá “đểu”! Nếu doanh nghiệp gắn bó, bao tiêu thu mua ổn định với nông dân thì những trường hợp nông sản bán ào ạt cho thương lái Trung Quốc khó diễn ra!

Trong khi đó, ở thị trường nội địa, nông sản gần như do thương lái nắm và thao túng. Có thời điểm nhiều mặt hàng tụt giá mạnh, như giá bán buôn ở các chợ vẫn cao ngất ngưởng. Điển hình là giá heo hơi, gà vịt có lúc giảm mạnh như giá bán buôn ở chợ thì vẫn như cũ. Hay như giá lúa có lúc giảm mạnh như giá bán buôn gạo ở nội địa vẫn cao vút. Có thời điểm giá gạo bán ở thị trường nội địa cao hơn giá gạo xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là “lỗ hổng” nghiêm trọng trong kênh phân phối!

Điệp khúc nông sản “được mùa, mất giá” sẽ còn kéo dài nếu nông dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL không “câu tay ngồi chung thuyền” để xác lập kênh phân phối theo hướng cả hai cùng có lợi và chia sẻ rủi ro.