Nghiên cứu loài phổ biến và khuyến cáo bảo tồn cho Việt Nam

ThienNhien.Net –Các nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học thường chỉ tập trung vào những loài quý hiếm, đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong khi những loài phổ biến lại ít được quan tâm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới về các loài họa mi ở Việt Nam đã khẳng định nghiên cứu các loài phổ biến cũng có thể giúp bảo tồn các loài quý hiếm.

Nghiên cứu do Tiến sĩ nghiên cứu Laurel Yohe, Khoa Sinh thái học và Tiến hóa, Đại học SUNY Stony Brook Mỹ cùng 5 nhà nghiên cứu khác thuộc các trường đại học của Anh, Mỹ và Việt Nam đã tiến hành so sánh sự phân bố của 5 loài chim thuộc họ họa mi (Timaliidae) ở Việt Nam qua các giai đoạn phát triển của Việt Nam. Sau đó, nhóm nghiên cứu sử dụng kết quả so sánh này để dự đoán hiệu quả bảo tồn và tác động của quá trình đô thị hóa đến các loài.

Năm loài chim hét cao cẳng trong nghiên cứu (Ảnh: Yohe)
Năm loài chim thuộc họ họa mi trong nghiên cứu (Ảnh: Laurel Yohe)

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng ba loại bản đồ: bản đồ về phân bố các loài chim họa mi ở Việt Nam từ 1878 – 1971; bản đồ mô tả mức độ tác động khác nhau của con người theo các chỉ số về mật độ dân số, công trình đường xá và sự phát triển nông nghiệp; và bản đồ các khu bảo tồn quốc gia.

Chồng khớp ba tấm bản đồ lên nhau, các nhà khoa học đã rút ra ba kết luận. Thứ nhất, các loài chim phổ biến có vẻ như chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi hoạt động phát triển. Thứ hai, rất ít môi trường sống của các loài chim thuộc họ họa mi này nằm trong các khu bảo tồn. Cuối cùng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam khởi động các kế hoạch ưu tiên bảo tồn.

Theo nghiên cứu, 3/5 phạm vi sinh sống của loài chim họa mi nằm trong khu vực chịu tác động lớn từ con người và chỉ 14 – 20% phạm vi cư trú của loài chim này nằm trong các khu vực bảo tồn. Tiến sĩ Yohe khẳng định các nhà bảo tồn hoàn toàn có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này cho việc lên kế hoạch bảo vệ các loài quý hiếm, đang bị đe dọa hơn.

“Nếu con người tác động lớn đến những loài không bị đe dọa, thì nhiều khả năng những loài bị đe dọa trong cùng khu vực cũng phải chịu những ảnh hưởng tương tự thậm chí là nghiêm trọng hơn.” – Laurel Yohe lý giải cho kết luận của mình.

Nghiên cứu cho thấy mức độ ảnh hưởng của con người tới sự đa dạng của cùng một loài là khác nhau giữa các khu vực khác nhau trong cả nước, do đó công tác bảo tồn ở Việt Nam nên tập trung vào những khu vực bị tác động mạnh thay vì chỉ hướng tới các loài cụ thể. Bằng cách tập trung vào các môi trường sống chưa được bảo vệ của các loài đang bị đe dọa, Việt Nam sẽ có thể mở rộng phạm vi bảo tồn, đồng thời duy trì được mức độ đa dạng sinh học hiện tại. – Các tác giả của nghiên cứu nhận định.

Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2005 và cũng là quốc gia có hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Song song với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực để bảo vệ môi trường sống của các loài cũng như giảm nạn phá rừng để bảo vệ một khu vực đa dạng sinh học phong phú trước khi quá muộn, nghiên cứu khuyến cáo.