Khai mạc Diễn đàn Sáng tạo Vì trái đất mát lành tại Nhật Bản

ThienNhien.Net – Sáng 8/10, tại Nhật Bản đã diễn ra “Diễn đàn Sáng tạo Vì trái đất mát lành (viết tắt là ICEF). Diễn đàn do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Năng lượng mới và Tổ chức Phát triển Công nghệ công nghiệp (NEDO) tổ chức. Khoảng 700 khách mời là các nhà nghiên cứu, các doanh nhân và nhà hoạch định chính sách từ khắp các nước trên thế giới đã tham dự Diễn đàn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang đã tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn này.

Diễn đàn ICEF nhằm mục đích cung cấp một nền tảng kiến thức toàn cầu để thúc đẩy các cuộc thảo luận và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua đổi mới về năng lượng và công nghệ môi trường.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Biến đổi khí hậu biểu hiện ngày càng rõ rệt với sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, sự cực đoan của thời tiết, thiên tai, thay đổi lượng mưa,…là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.

Báo cáo lần thứ 5 mới đây của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) một lần nữa khẳng định biến đổi khí hậu trước hết là do con người gây ra; diễn biến nhanh hơn so với dự báo, ngày càng phức tạp, khó lường. Nếu chúng ta không hành động kịp thời giảm phát thải để ổn định nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển, kịch bản tồi tệ nhất sẽ xẩy ra. Sự nóng lên của Trái đất không giữ được trong giới hạn an toàn 2 độ C. Lúc đó, thảm họa rất có thể sẽ xẩy ra đe dọa sự tồn vong của tất cả quốc gia, không phân phân biệt lớn, nhỏ, giàu, nghèo.

Trong khi các nước trên thế giới chưa thống nhất được một cơ chế ràng buộc mang tính pháp lý ở quy mô toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính thay thế cho Nghị định thư Kyoto nhằm giảm nhẹ nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu thì sự nóng lên của trái đất cứ âm thầm diễn ra, mực nước biển tiếp tục dâng cao tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống, sinh kế của người dân ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, hợp tác về phát triển, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần cùng nhau ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.

ộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: monre.gov.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: monre.gov.vn)

Việt Nam là quốc gia đang phát triển có mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường gay gắt. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đang làm cho các vấn đề này trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Chính vì vậy, Việt Nam coi trọng xây dựng năng lực chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, hạ tầng kinh tế – xã hội, sinh kế của người dân, các hệ sinh thái tự nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu.

Những nỗ lực nâng cao năng lực quản trị tài nguyên nước và thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng; nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển, đê sông; bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn; nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng; ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền núi và hải đảo; chống ngập úng các thành phố lớn đã và đang làm cho Việt Nam chủ động hơn trong thích ứng với biến đối khí hậu.

Việt Nam cũng chủ trương thúc đẩy các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, kiến tạo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện một loạt chính sách như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành môi trường pháp lý và nhiều chính sách thúc đẩy các hành động giảm phát thải khí nhà kính.Việt Nam đã xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ hai, hoàn thành đánh giá nhu cầu công nghệ, cả về thích ứng và giảm nhẹ và là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên xây dựng Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR – biennial update report) lần thứ nhất.

Việt Nam cũng đã và đang thực hiện các hoạt động cụ thể giảm nhẹ phát thải khí nhà kínhnhư thúc đẩy sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Hiện Việt Nam có 253 dự án Cơ chế phát triển sạch được công nhận (registered) với khả năng giảm khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương…

Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động thúc đẩy hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu như hợp tác xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác song phương với Nhật Bản trong thực hiện Cơ chế tín chỉ chung giảm phát thải khí nhà kính (JCM). Đây là những ví dụ điển hình về hợp tác chuyển giao công nghệ ứng với biến đổi khí hậu rất thành công và hiệu quả.

“Là quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và sẽ tích cực trong đấu tranh giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Chúng tôi muốn thể hiện mạnh mẽ quan điểm này và rất mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là trong việc chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu từ chính phủ các nước và các đối tác phát triển để Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn những nỗ lực của mình” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.