Việt Nam thu hút gần 1 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 1 tỷ USD và nhiều hỗ trợ kỹ thuật khác phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu từ các nhà tài trợ quốc tế.

Thông qua nguồn vốn ODA này, Chính phủ nước ta đã ban hành nhiều văn bản hành động chính sách, góp phần hiện thực hóa chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Thông tin vừa được Thứ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra tại cuộc họp về Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2015 và giai đoạn sau năm 2015, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều nay (30/9), tại Hà Nội.

Thiên tai tàn phá nhà dân (Ảnh: TTXVN)
Thiên tai tàn phá nhà dân (Ảnh: TTXVN)

Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu được thành lập từ năm 2009 nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, và sau này là Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng xanh. Chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự tài trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Đến nay, Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu đã hỗ trợ các Bộ trong hoạt động xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng lồng ghép yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; thu hút gần 1 tỷ USD từ 6 nhà tài trợ JICA, AFD, CIDA, World Bank, K-Eximbank, DFAT và nhiều hỗ trợ kỹ thuật khác cho Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh hỗ trợ về mặt tài chính, từ năm 2009, các nhà tài trợ Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và thực hiện 252 hành động chính sách. Đây đều là những việc làm quan trọng, góp phần hiện thực hóa chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Quá trình xây dựng được tiến hành thông qua hàng trăm cuộc họp, thảo luận giữa các đơn vị thực hiện của các Bộ, ngành và với các nhà tài trợ. Sau khi thống nhất, các hành động chính sách được tập hợp thành khung Chính sách hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và triển khai thực hiện. Khung Chính sách năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/7/2014.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thủ tục xin cấp vốn và chuẩn bị triển khai thực hiện các hành động chính sách này. Trong quyết định phê duyệt khung chính sách năm 2015, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vận động tài trợ cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau 2015.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, Việt Nam cần hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2016-2020.

“Dự kiến, khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được thông qua vào năm 2015, và cần được các nước phê chuẩn để có hiệu lực từ năm 2020. Nhiều yêu cầu mới chắc chắn sẽ được đưa ra đối với Việt Nam, đòi hỏi chúng ta cần điều chỉnh, xây dựng các chính sách, quy định của Việt Nam cho phù hợp,” Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, Bộ này sẽ ủng hộ việc tiếp tục duy trì Diễn đàn đối thoại chính sách trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2016-2020 để giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu mới.

Tuy nhiên, để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016- 2020 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình hiện tại và dựa vào các bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn vừa qua, theo ông, Việt Nam cần thảo luận để xác định những nội dung chính cần tập trung thực hiện và cải tiến phương pháp để chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2015 thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Tại cuộc họp, các nhà tài trợ cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách về biến đổi khí hậu cũng như triển khai các dự án cụ thể. Chính vì thế, các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong tương lai.

Pháp hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 30/9, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) và Bộ Tài chính đã ký kết thỏa ước tín dụng cho khoản vay trị giá 20 triệu Euro dành cho kỳ thứ 4 của Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khoản hỗ trợ ngân sách lần thứ 4 này đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) lên mức 80 triệu Euro.

Song song với khoản hỗ trợ ngân sách, AFD sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam nhằm xác định các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành thép; lập kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà ở thành phố Đà Nẵng; các hội thảo chuyên đề về theo dõi chi tiêu công dành cho khí hậu và năng lượng tái tạo.

Trước đó vào năm 2009, AFD và JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) là những đối tác đầu tiên đề xuất chương trình hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau đó, nhiều đối tác phát triển khác đã tham gia chương trình như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank)…

Chương trình SP-RCC đã cho phép tạo dựng một khung đối thoại giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam xoay quanh chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều kiện của hỗ trợ ngân sách SP-RCC là triển khai các chính sách công và cải cách để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển carbon thấp.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những định hướng chiến lược hoạt động của AFD tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2006-2013, AFD đã dành cho Việt Nam các khoản tài trợ với tổng số tiền 382 triệu Euro cho 14 dự án phát triển góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu (giao thông công cộng, năng lượng) và thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu (chống lũ lụt, thủy lợi, nông nghiệp bảo tồn).

AFD đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và sẽ kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2014. Tổng cam kết hỗ trợ phát triển chính thức của AFD dành cho Việt Nam đã đạt mức 1,5 tỷ Euro với 70 dự án.

Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn, 30/09/2014