Ký quỹ cải tạo môi trường – Làm sao không để tiền “nằm chết“?

ThienNhien.Net – Dự thảo Nghị định qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đang được lấy ý kiến với nhiều điểm tiến bộ, hy vọng tạo ra một môi trường bền vững cho sự phát triển.

Nhưng theo ông Trần Miên – nguyên Trưởng ban Môi trường (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam), nếu không có sự thay đổi kịp thời thì qui định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản sẽ biến một phần tiền vốn của DN thành “tiền chết” trong khi nhu cầu vốn của DN rất cao.

Việc ký quỹ cải tạo môi trường đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Việc ký quỹ cải tạo môi trường đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Trăm bề khốn khó

Ông bình luận gì về qui định DN phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong Dự thảo này?

– Đây là qui định đang có vấn đề, dù đã được góp ý nhiều lần nhưng sự thay đổi chưa được chú trọng. Qui định các DN thực hiện khai thác khoáng sản, sau khi kết thúc khai thác phải thực hiện cải tạo lại môi trường, trả lại cho cộng đồng môi trường sinh thái sau khi được hưởng nguồn lợi từ khai thác khoáng sản là việc làm đúng và phù hợp xu thế chung của thế giới. Từ Luật BVMT năm 2005, các DN khai thác, kinh doanh khoáng sản đã thực hiện qui định này. Khi các dự án đầu tư khai thác khoáng sản được Bộ hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) các tỉnh thẩm định thì các DN cứ thế nộp tiền ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau quá trình khai thác tài nguyên.

Nhưng đến Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT 2014 thì vấn đề lớn nhất trong việc ký quỹ cải tạo môi trường vẫn còn những bất hợp lý chưa được xử lý triệt để cho phù hợp thực tiễn hoạt động của DN. Đó là đối với cùng việc cải tạo, phục hồi môi trường thì DN khai khoáng phải chịu gánh nặng tài chính 2 lần: khoản tiền ký quỹ và khoản tiền thực hiện các công trình cải tạo môi trường theo Đề án đã được phê duyệt để được lấy lại số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

DN sẽ được hoàn trả số tiền đó sau khi hoàn thành đề án cải tạo, phục hồi môi trường thì liệu có bất lợi gì cho DN khi thực hiện qui định này, thưa ông?

– Điều đáng nói là khoản tiền ký quỹ này không được phép đầu tư, cho vay, sử dụng với mục đích khác, nghĩa là quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chỉ là nơi giữ hộ DN một khoản tiền lớn nhưng không sinh lời. Từ việc tiền ký quỹ “nằm chết” trong suốt thời gian chờ DN hoàn thành đề án cải tạo môi trường, DN còn phải gánh chịu mọi thiệt thòi từ việc chênh lệch lãi suất bởi thông thường, DN vay tiền để ký quỹ phải vay bằng vốn thương mại nhưng khi được hoàn trả tiền ký quỹ thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng tại thời điểm hoàn trả. Nghĩa là phần chênh lệch lãi suất này DN phải hạch toán vào chi phí mà nếu không cẩn thận sẽ khó qua “cửa” kiểm toán hàng năm. Bên cạnh đó, qui định biến tiền ký quỹ của DN thành “tiền chết” trong khi nhu cầu vốn của DN rất lớn và điều kiện tiếp cận vốn vay vô cùng khó khăn là một thiệt thòi lớn cho vốn đầu tư của nền kinh tế và bản thân DN.

Tôi cũng lưu ý là ngay cả việc rút tiền ký quỹ ra đối với DN cũng không dễ vì việc xác nhận hoàn thành đề án cải tạo môi trường không đơn giản. Một khoản tiền ký quỹ suốt một đời của mỏ là khoảng 30 năm, thậm chí 50 năm, mà trong thời gian đó, xã hội đã có rất nhiều biến chuyển, kể cả về khoa học kỹ thuật. Ngay cả trong trường hợp DN áp dụng các khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn hoặc áp dụng những cây trồng sinh lời hơn, phù hợp với môi trường song không đúng với nội dung đề án đã phê duyệt có được công nhận là hoàn thành cải tạo môi trường theo đề án đã được duyệt để được rút tiền ký quỹ hay không là câu chuyện khó.

Những bất cập này phải được “cởi” để DN tự giác, tự nguyện thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường mà không bị thiệt thòi và cộng đồng vì thế cũng được hưởng những công trình cải tạo môi trường đúng ý nghĩa.

Ông Trần Miên (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Ông Trần Miên (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Không bỏ ký quỹ để “nắm đằng chuôi”

Vậy ông có cho rằng nên bỏ hẳn hình thức ký quỹ để khỏi tạo gánh nặng cho DN, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay và dùng các biện pháp khác để buộc DN thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường?

– Bỏ hình thức ký quỹ thì đúng nguyện vọng của DN để không phải lo thiệt hại và sức ép về tài chính, song lại không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước vì cơ quan quản lý nhà nước về môi trường luôn muốn “nắm đằng chuôi”, tức là phải “nắm” được tiền để đảm bảo DN phải thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Tôi cũng cho rằng, không thể bỏ được hình thức ký quỹ này, vấn đề là phải tính đến hình thức ký quỹ như thế nào để dung hòa được nhu cầu của cả cơ quan quản lý nhà nước và DN vốn chưa bao giờ “gặp nhau” trong việc ký quỹ.

Ông có đề xuất gì cho vấn đề này?

– Luật BVMT năm 2014 đã có qui định mở hơn là cho DN ký quỹ vào Quỹ BVMT hoặc ký quỹ vào một tổ chức tín dụng. Song theo tôi, nên bỏ hẳn qui định ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường vào Quỹ BVTM kể cả ở Trung ương và cấp tỉnh vì quỹ chỉ giữ tiền hộ DN, không mang lại hiệu quả kinh tế. Quỹ BVMT chỉ nên hoạt động đúng theo qui định của Luật là “hỗ trợ hoạt động BVMT” mà không tiếp nhận tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Còn DN ký quỹ vào một tổ chức tín dụng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn, tránh phải giải quyết phần chênh lệch giữa lãi suất đi vay để ký quỹ và lãi suất hoàn trả.

Theo ông, duy trì việc ký quỹ cải tạo môi trường thì mức ký quỹ như thế nào là phù hợp?

– Qui định mức ký bằng tổng chi phí thực hiện các công trình cải tạo môi trường trong Dự thảo là phù hợp, nhưng cần quan tâm đến phương pháp ký quỹ. Hiện nay việc ký quỹ không được thực hiện một lần (trừ trường hợp mỏ hoạt động dưới 3 năm thì phải ký ngay một lần) còn được ký nhiều lần theo giai đoạn, có tính đến yếu tố trượt giá. Kinh nghiệm thẩm định các đề án cải tạo môi trường cho thấy, nếu tính đủ cả yếu tố trượt giá thì thông thường khoản tiền ký quỹ phải gấp đôi tổng chi phí phải bỏ ra để thực hiện cải tạo môi trường. Đây là một vấn để đang có nhiều luồng ý kiến để giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN.

Tôi đã đề xuất với Bộ TNMT phương án ký quỹ theo tiến độ thực hiện các hạng mục của đề án cải tạo môi trường chứ không phải ký quỹ trải đều hàng năm như hiện nay. Việc ký quỹ tiến hành trước khi thực hiện hạng mục cải tạo môi trường một năm. Nhân việc đó kiểm tra luôn yếu tố kỹ thuật và dự toán của hạng mục tại thời điểm ký quỹ sẽ không phải lo vấn đề trượt giá. Và khi DN hoàn thành hạng mục sẽ được rút ngay tiền về, nghĩa là thời gian tiền ký quỹ sẽ rút ngắn đi, số lượng tiền ký quỹ cũng giảm đi, không tạo áp lực một khoản tài chính lớn tức thời đối với DN, và DN luôn có tiền để quay vòng sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Từng người dân phải được trực tiếp tham gia phương án BVMT

Theo ông Trần Miên: Qui định cộng đồng dân cư tham gia BVMT là nội dung tiến bộ, thể hiện quyền làm chủ của người dân, thực hiện quyền được biết của người dân về những vấn đề liên quan đến môi trường sống của mình từ các dự án đầu tư, cần khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, để quyền của người dân được thể hiện một cách cụ thể, tránh hình thức trong việc đánh giá, tôi thấy cần có hướng dẫn rất cụ thể qui định về phương thức thực hiện và tăng tường thực hiện giao tiếp trực tiếp giữa DN và cộng đồng dân cư, chứ không chỉ lấy ý kiến qua Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cấp xã vì môi trường là vấn đề đụng chạm đến từng người dân.

Tuy nhiên, trong điều kiện nhận thức của người dân về vấn đề BVMT còn thấp, ý thức đóng góp cho DN, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa chắc xuất phát từ những hiểu biết rõ ràng nên vẫn có ý kiến trái chiều, do không hiểu hoặc cố tình không hiểu giữa người dân và DN. Thực tế đã có nhiều tranh chấp giữa DN và cộng đồng dân cư vì những hành vi xả thải ra môi trường là do từ ban đầu đã không làm rõ và đúng nghĩa vụ cung cấp và đóng góp thông tin trong các vấn đề môi trường từ dự án. Từ đó cho thấy, minh bạch thông tin về môi trường là cần thiết. DN phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và cộng đồng dân cư cũng phải có trách nhiệm với việc đóng góp ý kiến cho DN.