Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cần khả thi hơn

ThienNhien.Net – Ngày 26/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2014.

Hội nghị đã tập trung góp ý vào 3 Nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2014; Nghị định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Quân đội Nhân dân)
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Trong hội thảo, các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã tập trung góp ý sâu vào nội dung đánh giá tác động môi trường với đối tượng, dự án/doanh nghiệp phải thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), lập báo cáo ĐTM; đối tượng và thủ tục tham vấn báo cáo ĐTM; thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM; thời hạn thẩm định báo cáo (45 ngày). Nội dung về ký quỹ nhập khẩu phế liệu, BVMT cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sau khi giới thiệu nội dung các nghị định, cho rằng: Việc xây dựng văn bản phải hài hòa lợi ích các nhóm đối tượng khác nhau và phải hài hòa giữa BVMT và phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo nghị định về BVMT đã có nhiều đổi mới tích cực hơn, tuy nhiên, một số nội dung lại chưa bảo đảm về mặt cải cách thủ tục hành chính, tạo nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục.

Bà Đỗ Thị Thu Phương, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ ra những khó khăn trong việc lập báo cáo ĐTM trong thời gian qua, nhưng trong quy định lần này còn khó khăn hơn trong việc xin ý kiến của địa phương. Vì thực tế, việc xin ý kiến với một số ngành có mức độ khoa học kỹ thuật cao, đặc biệt như ngành dầu khí thì việc xin ý kiến của UBND xã là rất khó vì đọc không hiểu, có lúc xin ý kiến đến 2-3 tháng vẫn chưa nhận được ý kiến. Cùng với đó, hiện nay các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều đã và đang áp dụng ISO 14000 rồi, giờ đây lại phải làm lại một hệ thống quản lý môi trường nữa là chồng chéo, tốn kém thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. Bà Phương đề nghị cần có quy định phù hợp, khả thi hơn. Cùng nói về vấn đề này, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ khó khăn trong việc lập báo cáo ĐTM và cho rằng, việc xin ý kiến thể hiện quyền của cộng đồng dân cư. Đã có quyền thì sẽ đi liền với trách nhiệm, do vậy, nên quy định cụ thể thời gian, để nếu vượt quá thời gian đó mà không cho ý kiến được thì coi như đã đồng ý.

Ông Phạm Chí Cường, Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ ra thực tế ngành thép Việt Nam còn non trẻ, cạnh tranh chưa cao vậy mà gánh thêm tiền ký quỹ khổng lồ như trong dự thảo thì ngành thép sẽ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt trong thời gian tới. Ông Cường cho rằng, không nên ký quỹ nhập phế liệu và nếu có thì ở mức thấp vì nếu có đơn vị vi phạm thì có chế tài xử lý rồi, không nên vì một số nhỏ đơn vị vi phạm mà khiến cả ngành phải “gánh” nặng theo.

Ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tập trung góp ý về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Ông Miên cho rằng cần phải thấy việc ký quỹ, cải tạo môi trường là một gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp phải lo 2 lần khoản tiền thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Do vậy, cần có quy định hợp lý, khả thi với nội dung này.