Công ty lâm nghiệp Tây Nguyên “lâm bệnh”: Doanh nghiệp thành… con nợ!

ThienNhien.Net – Trong số 56 công ty lâm nghiệp Tây Nguyên đang quản lý gần 1 triệu ha rừng và đất rừng, hơn quá nửa rơi vào tình trạng khó khăn, hoạt động không hiệu quả, nợ lương, nợ bảo hiểm… Trong khi đó, tình trạng mất rừng hàng loạt xảy ra ở hầu hết ở các công ty lâm nghiệp.

Nhiều diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý bị người dân chặt phá trồng cây công nghiệp (Ảnh: Công Hoan/Sài Gòn Giải Phóng)
Nhiều diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý bị người dân chặt phá trồng cây công nghiệp (Ảnh: Công Hoan/Sài Gòn Giải Phóng)

Nợ lương, nợ ngân hàng

Đến các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk thời điểm này, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là sự mệt mỏi, rệu rã của cán bộ, nhân viên công ty. Trụ sở Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) nằm ngay trung tâm thị trấn náo nhiệt nhưng bên trong lại đìu hiu, im ắng. 8 tháng nay, 28 nhân viên công ty đang sống trong cảnh “ăn bám” vợ con vì khoản lương hàng tháng đang bị công ty nợ. Ngoài ra, công ty này hiện đang nợ ngân hàng hơn 7 tỷ đồng nhưng không biết lấy gì để trả nợ.

Sau chuyển đổi theo Nghị định 200 của Chính phủ (nghị định ban hành năm 2004 về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh – PV), Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan thuê hồ Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp) nuôi cá, kết hợp nuôi ba ba nhằm kiếm thêm “đồng ra đồng vào”. Thời điểm đầu kinh doanh “thuận buồm xuôi gió”, mỗi năm công ty thu được 60 – 70 tấn cá. Đến năm 2007, cơn bão lịch sử hoành hành đã cuốn trôi tất cả. Công ty không có vốn để đắp đập, cải tạo, thả con giống nên ý tưởng “tăng thu nhập nhờ ao cá” tan vỡ. Công ty chưa thu hồi được vốn, nợ chồng thêm nợ.

Hai công ty “hàng xóm” là Công ty Lâm nghiệp Ea H’Mơ và Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh (huyện Ea Súp) cũng có mỗi đơn vị một đàn bò hơn 300 con nhưng kế hoạch cũng sớm phá sản. Ông Huỳnh Văn Mến, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea H’Mơ, cho biết:  “Công ty được giao quản lý hơn 17.600ha rừng và đất lâm nghiệp. Từ năm 2011, chỉ tiêu khai thác gỗ hết nên công ty chỉ biết trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất nghèo kiệt, hàng năm công ty thiếu hụt khoảng 1 tỷ đồng. Không còn cách nào khác, công ty phải bán dần đàn bò để trả nợ. Bây giờ đàn bò hết rồi, kế hoạch nuôi bò sụp đổ hoàn toàn. Sắp tới không biết công ty lấy gì để trả nợ đây”.

 Những cây gỗ to bằng 2-3 người ôm bị đốn hạ để nhường đất cho cây khoai mì, bắp mọc lên (Ảnh: Võ Phúc/Sài Gòn Giải Phóng)

Những cây gỗ to bằng 2-3 người ôm bị đốn hạ để nhường đất cho cây khoai mì, bắp mọc lên (Ảnh: Võ Phúc/Sài Gòn Giải Phóng)

Trong số 15 công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk (hiện quản lý 196.523ha đất rừng), chỉ có 3 công ty cầm cự được, những công ty còn lại đều rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Ông Nguyễn Hoài Dương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết: “Từ năm 2011, đa phần các công ty lâm nghiệp trên địa bàn không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nữa. Các công ty sống nhờ vào nguồn hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng do nhà nước cấp. Thế nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ này chỉ đáp ứng khoảng 30% hoạt động quản lý bảo vệ rừng của công ty. Để tồn tại, các công ty liên tục cắt giảm lao động, nợ lương, đời sống nhân viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Tại Đắk Nông, 14 công ty lâm nghiệp (quản lý hơn 160.000ha) cũng chẳng khá hơn. Có công ty nợ bảo hiểm, nợ lương 6 tháng nay, như Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức, Công ty Lâm nghiệp Nam Nung nợ 3 tỷ đồng bảo hiểm… Lương thấp, nợ lương kéo dài khiến nhiều nhân viên xin nghỉ nhưng giám đốc không đồng ý vì sợ lại “vướng” phải tiền trợ cấp thất nghiệp.

Mất rừng hàng loạt

Sau nhiều ngày thực địa tại các khu rừng ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến những cánh rừng do các công ty lâm nghiệp nơi đây quản lý đang ngày đêm bị chặt phá tràn lan. Khi chạy xe máy vào 2 tiểu khu 262, 264 (ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan), chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe máy cày độ chế ngang nhiên chở gỗ lậu chạy theo hướng từ rừng sâu ra trung tâm xã. Trong khi đó, những chiếc xe máy chở gỗ cũng ngang nhiên chạy trên tuyến đường liên xã Ja Lơi. Tại tuyến đường đất đỏ liên xã Ea Rốk, Cư K’bang và Ea Lê, có cả đoàn xe chở gỗ sao còn ứa nhựa (vừa được lâm tặc đốn hạ từ rừng của Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh – PV) chạy vào trung tâm xã Cư K’bang, trước khi “qua mặt” trạm kiểm lâm địa bàn (đóng tại xã Ea Lê) để tuồn vào các xưởng gỗ.

Lâm tặc “xẻ thịt” rừng trên lâm phần thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh rồi vận chuyển vào các xưởng gỗ. Ảnh: VÕ PHÚC
Từ năm 2008 – 2014, ở Đắk Lắk có hơn 26.400ha rừng bị phá và lấn chiếm, trong đó các công ty lâm nghiệp chiếm hơn 11.100ha. Tại Đắk Nông, diện tích rừng bị mất và xâm chiếm từ năm 2004 đến nay là hơn 27.600 ha. Trong đó, chỉ tính riêng Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đã để mất hơn 4.500ha. Còn Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (ở xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) được giao quản lý 9.800ha rừng và đất rừng. Cuối năm 2011, công ty này ký hợp đồng liên doanh liên kết trồng rừng với 9 doanh nghiệp tư nhân và để mất 1.300ha rừng. Vì thế, 8 cán bộ nguyên là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên của công ty phải hầu tòa về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nếu mang 56 công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên ra so sánh, Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan giữ vị trí độc tôn về diện tích rừng bị mất và lấn chiếm (7.000ha). Khi chúng tôi “đột nhập” vào 2 tiểu khu 262, 264 của công ty này quản lý, chứng kiến toàn bộ 1.500ha rừng tại đây bị xóa xổ, hơn 100 lán trại được người dân dựng lên để ở, xung quanh lúa, mì đua nhau mọc trên đất rừng. Tình trạng mua bán đất rừng diễn ra tràn lan, công khai.

Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty  Lâm nghiệp Cư M’lan, cho biết: “Vào tháng 7-2014, tại 2 tiểu khu 262 và 264, công ty đã phát hiện một số người dân chở đất đá, vật liệu xây dựng vào rừng để xây lán trại. Những người này khai đã mua 15ha đất bằng giấy viết tay của một đầu nậu với giá 30 triệu đồng/ha”.  Trong khi đó, tại các tiểu khu 1676, 1677, 1678, 1687, 1689, 1708 của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân, những cánh rừng vốn xanh bạt ngàn, được bao phủ bởi nhiều cây gỗ quý to bằng hai ba người ôm giờ đã bị “cạo trọc lóc”.