Sớm ban hành tiêu chí thành phố bền vững về môi trường

ThienNhien.Net – Bộ tiêu chí và quy trình công nhận thành phố bền vững về môi trường sẽ sớm được hoàn thiện và ban hành, hỗ trợ các nhà quản lý xác định được các vấn đề ưu tiên cần phải thực hiện trong chương trình hành động để cân bằng các yếu tố môi trường trong quá trình phát triển.

Ngày 9/9, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo “Tiêu chí và quy trình công nhận thành phố bền vững về môi trường”.

Theo Viện Khoa học quản lý môi trường, các vấn đề môi trường ở các đô thị nước ta chưa được lồng ghép vào trong các quy hoạch xây dựng đô thị như quản lý chất thải rắn, nước thải, không khí phát sinh từ hoạt động công nghiệp và giao thông, trong khi đó, các dịch vụ và hoạt động sản xuất ngày càng gia tăng và không tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường đã được quy định.

Bộ tiêu chí thành phố bền vững về môi trường đang được xây dựng với tiêu chí đánh giá sự bền vững về môi trường của một đô thị, những tiêu chí chưa đạt được và những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt. Từ đó, hỗ trợ các nhà quản lý trong việc xác định được các vấn đề ưu tiên cần phải thực hiện, đề ra các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động nhằm cân bằng các yếu tố.

Bộ tiêu chí thành phố bền vững về môi trường được thiết kế gồm 6 nhóm tiêu chí: Tiêu chí về nước; tiêu chí về không khí; tiêu chí về chất thải rắn; tiêu chí về không gian xanh; tiêu chí về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng mới và tái tạo; tiêu chí về giao thông vận tải. Các tiêu chí được đưa ra dựa trên thực trạng phát triển của các đô thị Việt Nam, các vấn đề trọng tâm ở các đô thị đã được đề cập trong các chiến lược, kế hoạch phát triển. Trong mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu để đánh giá, đo lường các khía cạnh cụ thể khác nhau. Tổng cộng có 24 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, Bộ tiêu chí sẽ hỗ trợ các nhà quản lý trong việc xác định được các vấn đề ưu tiên cần phải thực hiện; đề ra các kế hoạch, chương trình hành động nhằm cân bằng các yếu tố môi trường trong quá trình phát triển.

Ông Hoàng Dương Tùng cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia về Dự thảo, quy trình, thủ tục đăng ký, thẩm định và công nhận thành phố bền vững về môi trường Việt Nam; đồng thời khẳng định Bộ “Tiêu chí và quy trình công nhận thành phố bền vững về môi trường” sẽ sớm được hoàn thiện và ban hành.