Tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD trong khu vực đô thị còn phổ biến

ThienNhien.Net – Nhận định trên được đưa ra trong Hội thảo công bố kết quả khảo sát về “Nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã ở Hà Nội” và kết quả hoạt động “Rà soát khung pháp lý, chính sách về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm” do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) tổ chức ngày 8/9, tại Hà Nội.

Kết quả khảo sát hơn 1000 người trong độ tuổi 20-69 tại Hà Nội từ tháng 11/2013 đến tháng 4/2014 của Viện Xã hội học (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy hành vi tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) trong khu vực đô thị còn khá phổ biến, nhất là các loài nguy cấp như hổ, tê giác, gấu, rắn và trăn. Có tới gần 70% người được hỏi cho biết đã từng sử dụng ĐVHD làm thuốc hoặc thực phẩm.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Cũng theo nghiên cứu, việc tiêu thụ ĐVHD đã trở nên bình dân hơn chứ không chủ yếu nhằm thể hiện đẳng cấp, địa vị xã hội. Những nhóm đối tượng sử dụng nhiều nhất là người làm việc trong khu vực nhà nước, liên doanh và đặc biệt là người buôn bán nhỏ, người cao tuổi. Niềm tin rằng ĐVHD là thực phẩm tốt, là phương thuốc mang lại sức khỏe, thậm chí chữa được nhiều bệnh nan y vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn ĐVHD để tiêu thụ.

Nghiên cứu đi đến kết luận rằng nhận thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD ở Hà Nội còn hạn chế. Đa số người dân biết việc săn bắn, buôn bán ĐVHD là phi pháp nhưng không ít người cho rằng pháp luật không quy định xử phạt người tiêu thụ và nhất là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh.

Theo kết quả rà soát của Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD) thì khung pháp lý và chính sách về quản lý và bảo tồn ĐVHD của Việt Nam còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn tuy có nhiều văn bản khác nhau về danh mục các loài nguy cấp quý hiếm nhưng ít chú ý đến các loài thủy sinh và không có hướng dẫn thực thi cho cán bộ tại địa phương nên khó áp dụng. Sự phân định trách nhiệm của các bộ ngành hữu quan chưa rõ ràng, chức năng nhiệm vụ chồng chéo dẫn tới hiệu quả thực thi quản lý ĐVHD còn thấp.

Việt Nam cũng đang thiếu các văn bản hướng dẫn quy trình và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong cứu hộ và tái thả ĐVHD; trong khi đó chế tài xử lý hành vi vi phạm về ĐVHD chưa đủ sức răn đe, việc cho phép bán tang vật vi phạm là ĐVHD vô hình trung hợp lý hóa các hành vi phi pháp.

Bà Anjali Acharya, Trưởng nhóm Môi trường (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng chiến lược cơ bản để thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD là tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, song song với việc tăng cường thực thi nghiêm minh các quy định pháp luật liên quan. Việt Nam cũng nên xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để điều chỉnh các quy định từ 2015-2020, phân định rõ phạm vi quản lý về chuyên ngành của hai ngành Tài nguyên môi trường và Nông nghiệp Phát triển nông thôn, xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động liên quan tới bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.