Tham nhũng tài nguyên – điểm tối ở châu Phi

ThienNhien.Net – Tệ nạn tham nhũng ở  Châu Phi không chỉ khiến thái cực phân chia giàu – nghèo thêm sâu sắc mà còn khiến nguồn tài nguyên khu vực này ngày càng bị đục rỗng, trong khi người dân vẫn sống trong tình cảnh nghèo khó, đối mặt với tỉ lệ bệnh tật và tử vong cao.

Hơn một nửa số trẻ em Châu Phi vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: Telegraph)
Hơn một nửa số trẻ em châu Phi vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: Telegraph)

Hệ lụy tham nhũng

Theo Báo cáo năm 2013 của Ủy ban Phát triển châu Phi (APP), nhiều quốc gia giàu tài nguyên ở lục địa đen có tỉ lệ tử vong trẻ em thuộc nhóm cao nhất thế giới. Theo đó, có tới 12 quốc gia có trên 100 trẻ tử vong trong số 1000 trẻ ra đời, tỉ lệ này tương đương 10%. Đây cũng là khu vực có tỉ lệ tử vong sản khoa cao trên mức trung bình và tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiếm tỉ lệ cao.

Trong số các quốc gia bị hoành hành bởi nạn tham nhũng thì Angola là một điển hình. Từ năm 2002, quốc gia này đã thu về khoảng 3 đến 6 tỉ đô la doanh thu hàng năm từ dầu mỏ và đạt tốc độ phát triển kinh tế trung bình 7%. Tuy nhiên, Angola lại là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong sản khoa cao nhất thế giới và tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cao thứ tám trên thế giới.

Theo Giáo sư John Mbaku – chuyên gia về phát triển của châu Phi, mặc dù Angola thu được một lượng lớn tiền nhờ nguồn thuế tài nguyên dầu mỏ, song chính phủ nước này lại không đủ khả năng quản lý các nguồn thu một cách hiệu quả. Điều này dẫn tới tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng, gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.

Điều đáng nói là trong khi tầng lớp thượng lưu sử dụng nguồn dầu mỏ giàu có của đất nước để mua sắm các tài sản giá trị tại nước ngoài thì trẻ em Angola lại phải chịu cảnh nghèo đói triền miên. Có tới 1/3 số ca tử vong của trẻ em nước này liên quan đến tình trạng bị suy dinh dưỡng.

Không chỉ riêng Angola, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ từ nhiều thập kỉ qua cũng đang rơi vào tình trạng nghèo đói vì chưa đủ khả năng thiết lập một thể chế có thể ngăn chặn được tệ nạn tham nhũng – vốn là nguyên nhân chủ yếu gây lãng phí nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên.

Trong số các nước đồng cảnh ngộ thì Nigeria cũng là ví dụ đáng đề cập. Theo APP, quốc gia này hiện đang hướng tới việc tăng cường tính minh bạch trong các báo cáo của ngành khai thác dầu mỏ, tuy nhiên sự thay đổi này vẫn chưa thực sự toàn diện. Thậm chí, theo APP, nhiều lỗ hổng trong ngành dầu mỏ có thể bắt nguồn từ chính Tập đoàn dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC). NNPC chi phối toàn bộ ngành dầu mỏ nhưng lại không công khai các bản báo cáo thường niên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nền tài chính công. Nói cách khác, minh bạch hóa ở Nigeria vẫn còn đang trong tiến trình thực hiện.

Tuy nhiên, sự minh bạch không chỉ là vấn đề của riêng chính phủ – mặc dù đó là khởi điểm để hiểu rõ hơn quy mô và diễn biến nguồn thu khai thác – mà nó còn liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ở châu Phi, các công ty dầu khí và khai thác mỏ thường chuyển các hoạt động tài chính, thương mại qua các công ty con, các chi nhánh tại địa phương và mạng lưới các công ty nước ngoài. Chính quy mô và độ phức tạp của các công ty này kết hợp với cơ chế quản lý yếu kém đã tạo điều kiện cho các hành vi trốn thuế và tham nhũng. Đáng lưu ý là điều này còn dẫn tới việc tài nguyên thiên nhiên của Châu Phi bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực – đây là nguyên nhân chính khiến nguồn thu vô cùng thiết yếu của các nước nghèo nhất châu Phi bị thất thoát.

Nói tóm lại, khi chính phủ có thể ẩn sau các bản báo cáo không rõ ràng, các công ty có thể núp sau các chế định pháp lý yếu kém – nhằm phục vụ lợi ích của tập thể doanh nghiệp hay một số quan chức chính phủ – thì họ có thể gây thiệt hại to lớn cho các cá nhân khác trong xã hội.

Bài trừ tham nhũng bằng cách nào?

Để có thể bài trừ tệ nạn tham nhũng, APP cho rằng, điều quan trọng là chính sách công cần được thiết kế tốt và được hỗ trợ bằng cam kết từ chính phủ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Achieng Ojwang – Quản lý chương trình của Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Châu Phi, không đơn giản để làm được điều đó, đặc biệt là khi xét đến các yếu tố ảnh hưởng khác như sự đa dạng, phức tạp của điều kiện khí hậu, các vấn đề đang xảy ra cũng như tình hình kinh tế biến động trên khắp các châu lục. Tiến sĩ Achieng Ojwang cho rằng, chìa khóa của vấn đề có lẽ phải nằm ở sự kết hợp tổng hòa các yếu tố: minh bạch, chủ trương đầu tư vào các ngành sản xuất giá trị gia tăng và vấn đề chia sẻ lợi ích.

Riêng về giải pháp đầu tư vào các ngành sản xuất giá trị gia tăng, APP đánh giá, các nhà xuất khẩu tại châu Phi hiện nay thường chỉ thu được một phần lợi nhuận trong khâu xuất khẩu khoáng sản mà không có sự bổ trợ của ngành công nghiệp chế biến nhằm giúp gia tăng giá trị sản phẩm và giá trị khai thác. Điều này vô hình chung tạo ra ít việc làm, ít doanh thu và đóng góp ít vào tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Cộng đồng Phát triển Nam Phi, giá trị sản phẩm đã qua xử lý lớn gấp 400 lần so với giá trị nguyên liệu thô, do đó, kinh doanh tài nguyên thiên nhiên đã qua xử lý sẽ sinh lợi nhuận hơn rất nhiều so với nguyên liệu thô. Điều đáng nói là ngành sản xuất giá trị gia tăng sẽ là nguồn bổ sung lớn về thu nhập và việc làm cho các ngành công nghiệp khai thác.

Song song với những giải pháp đã đề cập thì định hướng sản xuất tại địa phương cũng là một gợi ý giúp nâng cao tính minh bạch và tạo ra nhiều của cải cho khu vực tư nhân, qua đó góp phần hạn chế tệ nạn tham nhũng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại các quốc gia châu Phi.