Đắk Lắk bảo vệ và nhân rộng loài thông nước

ThienNhien.Net – Cá thể thông nước (thủy tùng) cuối cùng trên thế giới hiện chỉ còn ở rừng đặc dụng Ea Ral (huyện Ea H’leo) và Trấp K’sơr (huyện Krông Năng) với tổng cộng 161 cá thể, những cá thể thông nước này đang được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. Để bảo vệ loài cây quý hiếm này, ngày 19-1-2011, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Dự án bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước giai đoạn 2010-2015.

Mặc dù vậy, mãi đến tháng 8-2012, dự án này mới chính thức được triển khai hoạt động với việc ra mắt Ban quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước với vỏn vẹn chín biên chế chính thức. Ngày đầu thành lập, ban nhận bàn giao khu rừng đặc dụng Ea Ral này từ Hạt Kiểm lâm Ea H’leo. Theo quy hoạch, khu rừng này có diện tích 40 ha, trong đó thông nước tập trung chủ yếu trong 3 ha khu vực hồ Ea Ral. Vì đặc tính của thông nước sinh trưởng trong sình lầy, rất khó đi tuần tra cho nên các cán bộ kiểm lâm đã có sáng kiến mua ván bìa, tận dụng gỗ tạp… để đóng thành những “con đường nổi” ngoằn ngoèo trong bãi sình đến từng gốc thông. Gọi là đường đi nhưng nó giống một cái cầu nổi thô sơ hơn, luôn dập dềnh trên bùn nước. Bảo vệ thông nước khó khăn vất vả là vậy, anh em lại còn phải đối diện với áp lực từ bên ngoài nên vô cùng căng thẳng.

 Quần thể thông nước còn sót lại ở huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk (Ảnh: Nguyễn Hồng/Nhân Dân)
Quần thể thông nước còn sót lại ở huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk (Ảnh: Nguyễn Hồng/Nhân Dân)

Anh Phạm Văn Quang, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lắc cho biết: Thông nước mọc nhỏ lẻ tại các buôn làng xa xôi, hạt kiểm lâm tiến hành giao và thuê chính những hộ gia đình có cây sống trên phần đất của họ trông giữ, trả lương cho họ và yêu cầu họ phải làm chòi cạnh gốc để bảo vệ cây. Tại thị xã Buôn Hồ có hai cây thông nước được giao cho hai gia đình ông Vĩnh Bảo Hùng và bà Nguyễn Thị Mai quản lý. Mỗi tháng, kiểm lâm trả lương bảo vệ cho mỗi gia đình. Gia đình ông Hùng đã dọn cỏ sạch sẽ chung quanh gốc cây. Cây thông nước cổ thụ thuộc phần đất của gia đình bà Nguyễn Thị Mai mọc ngay đầu cầu gần thị xã Buôn Hồ và ngay sát mé suối. Để bảo vệ cây quý, bà Mai đã làm hẳn một cái lán ngay dưới gốc cây, cử chồng ra trông coi.

Mới đây, UBND tỉnh Đác Lắc tiếp tục ban hành Quyết định số 1283/QĐ-UBND, ngày 16-6-2014, về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn loài và sinh cảnh thông nước đến năm 2020. Theo đó, địa điểm quy hoạch tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh thông nước nằm trên địa giới hành chính: xã Ea Ral thuộc huyện Ea H’leo; thôn Trấp K’sor, xã Ea Hồ thuộc huyện Krông Năng; xã Cư Né thuộc huyện Krông Búc, tỉnh Đác Lắc.

Mục tiêu của Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững là: Thiết lập hệ thống quản lý, giám sát và bảo tồn lâu dài loài và sinh vật cảnh quần thể thông nước trên địa bàn tỉnh Đác Lắc để duy trì và hướng đến phát triển quần thể cây thông nước bền vững phục vụ nghiên cứu khoa học và đời sống; tiến hành các giải pháp bảo tồn cá thể và quần thể thông nước; tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực phục vụ bảo tồn, nâng cao năng lực và giáo dục môi trường… Tổng mức vốn đầu tư cho Quy hoạch bảo tồn hơn 76 tỷ đồng (bằng nguồn vốn Nhà nước và nguồn khác). Hy vọng với sự quan tâm đặc biệt, thông nước sẽ được bảo vệ và phát triển để phục vụ nghiên cứu khoa học.