Báu vật của thôn Uyên Phong

ThienNhien.Net – Người dân thôn Uyên Phong (xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) vừa được Nhà nước trao quyền sử dụng khu rừng nguyên sinh rộng trên 50ha. Đây là khu rừng mà người dân đã giữ được từ hàng trăm năm nay…

Nguồn tài nguyên quý

Chúng tôi được ông Phan Văn Thành – Phó thôn, kiêm tổ trưởng bảo vệ rừng thôn Uyên Phong dẫn vào khu rừng cấm Khe Trổ. Điều làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên, khi chỉ nằm cách khu vực dân cư non một cây số, nhưng ở đây vẫn tồn tại một khu rừng gần như nguyên sinh.

Ngay ở cửa rừng đã có một gốc một cây sú cao đến hàng chục mét đứng sừng sững, tỏa bóng xuống dòng suối bên cạnh. Càng vào sâu trong rừng, chúng tôi không giấu được sự kinh ngạc bởi rất nhiều cây cổ thụ chắc hẳn có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi mọc ken dày, kéo dài tít tắp. Nhiều cây có đường kính trên dưới 1m, cao đến 40m, với dây leo, tầm gửi chen dày.

Thấy chúng tôi cứ xuýt xoa vì cây rừng quá đẹp, ông Thành nói như khoe: “Ở đây cũng còn lưu giữ được nhiều loại cây bản địa quý hiếm lắm. Có cả lim xẹt, giẻ lim, nao, sú, dổi, gõ… Nhiều cây có đường kính gốc gần 2m đó. Trên kia có cây nao cao to lắm, ước tính đến hàng chục mét khối gỗ…”.

Theo các cụ cao niên ở làng Uyên Phong, rừng Khe Trổ là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 50ha ruộng lúa của thôn Uyên Phong và một phần đất sản xuất của thôn Kinh Châu. Đã bao đời nay, nhờ khu rừng mà chưa năm nào diện tích lúa của làng bị thiếu nước. Ngoài ra, rừng cấm Khe Trổ còn có tác dụng điều hoà khí hậu, giữ môi trường trong sạch, bảo vệ cuộc sống của người dân. Vì vậy từ xưa đến nay, người dân Uyên Phong coi khu rừng như là báu vật của cha ông để lại…

Nhiều cây gỗ quý lớn trong rừng cấm Khe Trổ (Ảnh: Dân Việt)
Nhiều cây gỗ quý lớn trong rừng cấm Khe Trổ (Ảnh: Dân Việt)

Dân thực sự làm chủ

Từ bao đời nay, người dân thôn Uyên Phong giữ được rừng Khe Trổ nhờ một bản hương ước truyền đời của làng. Hương ước với những điều khoản rất nghiêm ngặt; tất cả mọi hành vi xâm hại đến rừng cấm dù chỉ săn bắn một con chim hay chặt một que củi, cũng bị xử phạt nặng. Tuy nhiên, theo ông Thành, hương ước chỉ có tác dụng mạnh với người dân trong làng, còn những “lâm tặc” đến từ các làng, các xã khác thì cũng rất khó để xử lý họ, vì làng không biết lấy “cái lý” gì để phạt họ.

Thế nhưng tình hình hiện nay đã khác, khi thôn Uyên Phong chính thức được UBND huyện Tuyên Hóa ra quyết định trao quyền sử dụng đất và toàn bộ khu rừng trên 50ha này. Đây là kết quả của sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cán bộ tư vấn Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), người dân thôn Uyên Phong và các cơ quan tư vấn lập hồ sơ giao đất.

Ông Châu Văn Huệ – Phó Giám đốc CIRD cho biết, đây là mô hình thứ 2 sau mô hình giao đất rừng cho cộng đồng dân cư người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa mà CIRD phối hợpUBND huyện Tuyên Hóa thực hiện thành công, được người dân rất ủng hộ.

Với người dân thôn Uyên Phong, kể từ đây họ thực sự là chủ nhân của rừng Khe Trổ, báu vật của làng giờ đã có chủ. Điều này sẽ giúp người dân có điều kiện giữ gìn và phát triển khu rừng Khe Trổ.