Trồng lúa bán… không khí

ThienNhien.Net – PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nói vui: “Các em sinh viên hăng hái đo đếm, lấy khí… quý thầy”. Thật ra đó là khí thải môi trường của nhóm nghiên cứu do GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ đạo; khí thải chăn nuôi do GS.TS. Nguyễn Văn Thu theo dõi.

Còn khí … thầy Sánh là khí thải canh tác lúa thời biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đo khí thải trong dự án trồng lúa giảm khí thải (Ảnh: nongnghiep.vn)
Đo khí thải trong dự án trồng lúa giảm khí thải (Ảnh: nongnghiep.vn)

“Ông Tam nông” chổng mông đo… khí thải

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển ĐBSCL (MDI) thường được bạn bè, đồng nghiệp gọi là ông “Tam nông, liên kết vùng”. Vốn là người có nhiều ý tưởng “gàn gàn”, nhà khoa học “Hai Lúa” này hơn 10 năm trước đã đề xuất “đóng cừ sạn, phá bờ mẫu, mở rộng ruộng lúa để liên kết hợp tác nông dân làm ăn lớn”.

Thời đó, nhiều người bảo ông thầy giáo lo chuyện bao đồng, nhưng bây giờ là hình mẫu của “cánh đồng lớn”. Ý tưởng “cừ sạn” ngày trước được thay bằng các bản đồ số với công nghệ GIS để người nông dân mua cổ phần bằng quyền sử dụng đất, hình thành phương thức đầu tư, kinh doanh nông nghiệp mới.

Cũng chính ông “Tam nông” là người nói về “hạt gạo bị cắn chia làm tám”, phần của người trồng lúa bị teo tóp và kêu gọi “chia lại lợi tức” trong chuỗi giá trị lúa gạo. Ông là người kể câu chuyện “nông thôn bốn nhất” (nghèo nhất, lạc hậu nhất, hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất).

Cơ hội và thách thức trước “nông dân bốn bước” (bước lên, bước xuống, bước ra, bước vào liên kết hợp tác làm giàu). Yêu cầu “nông nghiệp bốn đúng” (đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm, đúng giá trị nông sản) với những đề xuất liên kết vùng thực hiện Tam nông. Và bây giờ đến lượt ông lặn lội ruộng đồng miền Tây, rủ nông dân trồng lúa bán… không khí.

Tôi gặp lại ông khi đang “chổng mông” đi đo khí thải trên cánh đồng lúa Tân Hiệp, Kiên Giang – một điểm thuộc dự án thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” do MDI đảm trách.

Sau buổi cùng nông dân ra đồng, vị PGS này còn ngồi khề khà vài ly đế với các bác Hai Lúa miền Tây, không phải chỉ nói chuyện tiếu lâm như những cuộc nhậu thường thấy ở xứ này mà là chuyện khoa học nghiêm túc. Nông dân đồng bằng ngày nay cũng lo cho BĐKH toàn cầu.

Dự án trồng lúa giảm khí thải (Ảnh: nongnghiep.vn)
Dự án trồng lúa giảm khí thải (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ô nhiễm môi trường và ai mua… không khí?

Ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng. Nguy hại từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành đang ở mức báo động. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, lượng rác thải bình quân từ thuốc BVTV trong vùng ĐBSCL lên đến con số hàng trăm tấn.

Mấy năm qua, nhiều hộ nông dân và hợp tác xã ở Phú Tân, Châu Thành (An Giang), Tân Hiệp (Kiên Giang), Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đã tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính do MDI, Quỹ Bảo vệ Môi trường Mỹ và các đối tác thực hiện.

Kết quả thí nghiệm được chứng minh giải pháp canh tác mới giảm 25 – 50% lượng nước, giảm số lần phun xịt thuốc và giá thành SX. Mỗi ha canh tác lúa giảm 5 – 6 tấn khí nhà kính mà năng suất, lợi nhuận vẫn tăng.

PGS.TS Sánh (thứ 3 bên phải qua) thảo luận với nông dân (Ảnh: nongnghiep.vn)
PGS.TS Sánh (thứ 3 bên phải qua) thảo luận với nông dân (Ảnh: nongnghiep.vn)
Dự án thí điểm “canh tác lúa giảm khí thải” thành công bước đầu, cần được nhân rộng; nhưng quan trọng hơn “bán không khí” là nâng cao thu nhập của người trồng lúa. Yêu cầu đó đòi hỏi ngành chức năng, ở tầm quốc gia cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để buộc những người gây ô nhiễm phải mua “khí thải trồng lúa”, thể hiện trách nhiệm trước môi trường.

Điều đó vượt ra ngoài tầm tay của những nông dân miền Tây và những nhà khoa như ông “Tam nông” Nguyễn Văn Sánh. Mô hình thí điểm thành công, nông dân nghe theo, làm theo qui trình sản xuất mới, nhưng ai mua không khí và chuyện nông dân làm giàu còn là câu chuyện dài!

Quy trình này còn giúp bổ sung thêm “1 giảm – khí thải” vào mô hình “1 phải, 5 giảm” đã được Bộ NN-PTNT chuẩn hóa trước đó. Các chỉ tiêu, số liệu về chiều cao, số chồi, màu sắc của lúa và độ phát triển của rễ, lượng khí thải… được chính người nông dân cùng kỹ thuật viên đo đạc, theo dõi hàng ngày, hàng tuần, so sánh lại với nhau để tìm ra sự chênh lệch nhằm đảm bảo tính khoa học, thực chứng.

Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH lần 3 tại Tokyo (Nhật Bản) xác định cơ chế “mua bán không khí”. Theo đó, các quốc gia và cơ sở công nghiệp có lượng khí thải CO2 vượt mức quy định phải có nghĩa vụ mua “tín chỉ carbon” ở những nơi tiết kiệm được.

Ở VN, sản xuất với yêu cầu giảm khí nhà kính đã được thực hiện bởi một số dự án thủy điện, rác thải, nước thải. Từ cuối năm 2013, Quỹ đối tác carbon (CPF) của Ngân hàng Thế giới cùng với Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha cam kết sẽ mua 3 triệu “tín chỉ carbon” của chương trình phát triển thủy điện nhỏ thuộc REDP của Việt Nam.

Một “tín chỉ” tương đương 1 tấn CO2. Song cho đến nay, việc bán “tín chỉ” trong sản xuất lúa vẫn còn là vấn đề mới. Trong khi đây là hoạt động chủ yếu của nông dân Việt Nam trước yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế.

Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực là vấn đề mang tính toàn cầu và VN vẫn là quốc gia đóng góp có trách nhiệm cho thế giới. Nông dân ĐBSCL đã góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, chiếm 20% thị phần thế giới; họ không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn lo cho quốc tế.

Việc trồng lúa giảm khí thải của nông dân miền Tây không phải là chuyện vui “bán không khí” mà đó là câu chuyện toàn cầu thời BĐKH. Nó còn là một hướng mở để xây dựng thương hiệu “lúa sạch”, nâng cao thu nhập nông dân.

Sản xuất lúa nhiều hơn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực mà cần cách tiếp cận đa ngành; cần quy mô sản xuất lớn hơn, và sự chuyển đổi tận gốc rễ phương thức “làm như mọi khi” sang sản xuất hàng hóa để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, giúp nông dân làm giàu.

Điều quan trọng là có sự phân biệt rõ ràng giữa trồng lúa đáp ứng cho mục tiêu chính trị – xã hội – công cộng và kinh tế – thương mại – tạo lợi nhuận hợp lý và bền vững cho người trồng lúa.

Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ