Nỗi buồn… được mùa ngô

ThienNhien.Net – Bà con nông dân tỉnh Sơn La năm nay được mùa ngô. Lẽ thường, được mùa thì nông dân phải vui, nhưng thực tế, họ lại đang canh cánh trong lòng nỗi lo vì giá ngô hạ thấp. Đáng nói là, ngô “của nhà trồng được” thì giá rẻ mạt, khiến bà con nông dân không muốn bán, còn các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đang phải bỏ tiền túi ra để nhập khẩu hàng triệu tấn ngô từ nước ngoài…

Được mùa ngô, lại lo rớt giá

Sơn La có trên 150.000 ha trồng ngô, với sản lượng thu hoạch chính vụ khoảng 63 vạn tấn. Năm nay, bà con các dân tộc thuộc tỉnh vùng cao này được mùa ngô, song không có ai vui vì giá ngô xuống quá thấp. Chị Hoàng Thị Tảo, người dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, năm nay gia đình thu hoạch được hơn 2 tấn ngô, ngô được mùa, hạt đều tăm tắp, nhưng giá bán lại không được bằng năm ngoái. Chị Tảo cho biết, giá ngô năm nay chỉ được các thương lái trả quanh mức 2.200 – 2.300 đồng/kg, giảm hẳn 1.000 đồng/kg so với năm ngoái. Giá ngô giảm sâu như vậy, nên nhiều người dân trồng ngô trong đó có gia đình chị Tảo không muốn bán, vì bán thì cầm chắc phần lỗ, nhưng không bán thì ngô ế, thừa để lâu mốc cũng chỉ đổ đi. “Kiểu gì cũng thua, lỗ” – chị Tảo than thở. Không riêng gia đình chị Tảo, nhiều hộ dân trồng ngô thuộc địa bàn các huyện Vân Hồ,Yên Châu… tỉnh Sơn La đều đang ở tình cảnh tương tự. Ngô được mùa nhưng chẳng mấy ai vui vì giá bị rớt quá thấp.

Tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là vựa ngô của tỉnh, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Bà con trồng ngô xã Phú Cường cho biết, năm nay giá ngô đã rớt thê thảm, chỉ ở mức 2.000 – 2.200 đồng/kg, trong khi thời điểm thu hoạch ngô vụ xuân hè năm ngoái, bà con bán được 3.500 – 3.900 đồng/kg. Như vậy, giá ngô đã sụt giảm đến 1.500 đồng/kg.

Cây ngô từ lâu được coi như một sản phẩm xóa đói giảm nghèo cho bà con nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính, chi phí cho mỗi ha ngô, bà con phải bỏ ra ít nhất là 5-6 triệu đồng tiền mua các loại phân bón, đó còn chưa tính công chăm sóc, thu hoạch. Đời sống bà con vùng cao vốn đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn vì ngô rớt giá.

Được mùa ngô nhưng bà con vẫn không vui (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)
Được mùa ngô nhưng bà con vẫn không vui
(Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

Hóa giải nghịch lý

Đi tìm nguyên nhân lý giải thực trạng này, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết, hiện nay, giá ngô nhập khẩu rẻ, nên các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu ồ ạt, đẩy giá ngô trong nước xuống thấp.

Lý giải những băn khoăn về việc, trong khi bà con các tỉnh miền núi phía Bắc đang được mùa ngô thì các DN vẫn đi nhập khẩu ngô từ nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Phó Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu ngô để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của chúng ta hiện rất lớn. Trong nước sản xuất được khoảng 5 triệu tấn/năm, về cơ bản ngô sản xuất đều đã sử dụng cho mục tiêu phục vụ ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, sở dĩ các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập ngô từ nhiều nước là bởi, ngô nhập khẩu từ các nước hiện nay rất rẻ. Ngoài ra còn bởi ngô nhập khẩu rất yên tâm về chất lượng, không lo bị mốc, thối do đó sản xuất thức ăn sẽ tốt hơn. Trong khi ngô của ta thường thu hoạch vào những tháng mùa mưa, có ẩm độ cao nên chắc chắn, điều kiện về thời tiết, khí hậu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt ngô. Đây là nguyên nhân khiến các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn chuộng ngô nhập hơn là ngô sản xuất trong nước.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khiến ngô sản xuất trong nước không tiếp cận được với DN, là do chủ yếu bà con vẫn trồng ngô theo các hộ nhỏ lẻ, phương thức canh tác rất manh mún, các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi không thể mua ngô trực tiếp từ nông dân, vì mỗi lô nguyên liệu nhập vào lên tới hàng chục nghìn tấn, DN không có nhân lực để thu gom từ từng hộ. Do vậy, các DN buộc phải thu mua qua thương lái, đại lý. Thực tế này cũng gây nên thực trạng bà con nông dân thường bị thương lái ép giá tất cả các mặt hàng nông sản, không riêng gì đối với cây ngô.

Để giải quyết thực trạng này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi – ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, chúng ta cần chú trọng tăng cường mở rộng diện tích trồng ngô, nhưng song song với đó, vấn đề bảo quản sau quy hoạch là rất quan trọng. “Bởi, sản xuất thức ăn công nghiệp thì phương thức sản xuất chế biến cũng phải theo hướng công nghiệp, hiện đại. Muốn làm được điều đó, việc trước tiên là chúng ta phải dần loại bỏ tập quán trồng trọt chăn nuôi theo phương thức lẻ tẻ, manh mún như hiện nay” – ông Dương nhấn mạnh.