Nghiêm cấm bố trí dân cư ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tăng cường quản lý việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, công trình hạ tầng cơ sở, nghiêm cấm việc quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng nhà ở, công trình tại những khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất hoặc ven sông suối gây cản trở dòng chảy thoát lũ.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 các địa phương cần phải tổ chức di dời khoảng 28.600 hộ ra khỏi các khu vực thiên tai, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất của các địa phương, rà soát, lập kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để tập trung ưu tiên đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, cập nhật các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án di dời dân cư sống ở khu vực có nguy có cao về lũ quét, sạt lở đất, đá, khu vực ven sông, ven suối, ven sườn đồi núi theo các Chương trình, dự án được phê duyệt; đối với những khu vực chưa tổ chức di dời được cần xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân khi có tình huống mưa lũ.

Đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và thông tin, phải vận dụng, áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù tại địa phương để tổ chức tuyên truyền thường xuyên, thông tin đến từng thôn, bản, từng người dân nhằm nâng cao nhận thức để mỗi người dân biết cách ứng phó khi thiên tai, cung cấp cho người dân đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc do bất cẩn, chủ quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện Đề án điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, chú trọng phân vùng tỷ lệ lớn tại từng địa bàn để phát huy hiệu quả, cập nhật các điểm dân cư vào các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở chỉ đạo, ứng phó thiên tai; từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực đông dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, sạt trượt đất để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hỗ trợ địa phương triển khai có hiệu quả chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới thông tin từ trung ương tới cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương và cơ sở.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến 2014 đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người; hơn 9.700 căn nhà bị đổ, trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.

Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất gồm miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải.

Có thể điểm lại một số trận lũ quét, sạt lở đất điển hình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản như trận lũ quét năm 2000 tại bản Nậm Coóng (xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) làm 39 người chết, 18 người bị thương. Trận lũ quét năm 2002 xảy ra ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh làm 53 người chết và mất tích, 111 người bị thương. Sạt lở đất núi tại tỉnh Lào Cai năm 2004 đã làm 22 người chết và mất tích, 16 người bị thương, trong đó có hộ cả gia đình thiệt mạng. Lũ, lũ quét, sạt lở đất sau bão số 4 và số 6, tại Lào Cai, Yên Bái năm 2008 làm 120 người chết và mất tích…

Tính riêng năm 2014, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, mưa lớn đã gây ra các trận lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, làm chết và mất tích 24 người, trong đó có 2 gia đình ở thị trấn Tam Đường và huyện Hoàng Su Phì (Lai Châu) bị thiệt mạng tới 5 người.

Theo đánh giá, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá chính là hiện tượng thiên tai gây nhiều thiệt hại hơn cả, nhất là về con người, đối với nước ta thời gian qua. Trong mưa bão, do tinh thần cảnh giác, tính tập trung trong phòng chống cao nên thiệt hại về người thường được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, những hiện tượng khác của mưa bão (mưa lớn gây lũ sau bão) lại gây ra những thiệt hại lớn, do tâm lý chủ quan của con người, do sự phức tạp, khó lường của diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu…