Hơn 14 triệu Euro để quản lý rừng bền vững

ThienNhien.Net – Chương trình hỗ trợ quản lý rừng bền vững, thương mại và tiếp thị lâm sản chính tại Việt Nam do CHDC Đức tài trợ trong 9 năm (9/2005-9/2014) với nguồn vốn lên tới 14 triệu Euro đã kết thúc với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Việt Nam có tới 4/5 tổng diện tích rừng là rừng tự nhiên. Do vậy, nâng cao năng lực quản lý rừng một cách bền vững từ lâu đã là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm lâm nghiệp với giá trị gia tăng cao cũng đang đặt ra nhiều vấn đề khi tình trạng sản xuất nguyên liệu thô của Việt Nam hiện nay không đem lại hiệu quả kinh tế mong muốn.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Trong bối cảnh nói trên, Chương trình hỗ trợ quản lý rừng bền vững, thương mại và tiếp thị lâm sản chính tại Việt Nam (gọi tắt là Chương trình lâm nghiệp Việt – Đức) đã ra đời với mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính bền vững của công tác quản lý rừng và ngành công nghiệp rừng tại Việt Nam.

Chương trình gồm hợp phần chính: Quản lý rừng bền vững rừng tự nhiên; Chế biến, thương mại và tiếp thị lâm sản chính; và tư vấn chính sách. Các hợp phần này cũng chính là 3 trong 5 Chương trình của Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam 2006-2020 của Việt Nam.

Sau 9 năm hoạt động, chương trình đã hoàn thành những mục tiêu cơ bản đề ra, bao gồm việc hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xây dựng và hoàn thiện một số chính sách cho ngành lâm nghiệp cũng như hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật quản lý rừng bền vững…

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng công nghệ và tiếp cận với thị trường.

Đặc biệt, chương trình cũng đã hỗ trợ 2 công ty lâm nghiệp tại các tỉnh tỉnh Kon Tum và Quảng Bình đạt được chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững toàn phần của Hội đồng Quản trị Rừng quốc tế (FSC). Đây là hai lâm trường đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ này của FSC.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết sáng 19/8, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Chương trình khẳng định, việc hai công ty lâm nghiệp được cấp chứng chỉ của FSC là thành công lớn nhất của chương trình. “Đây cũng là thành công của toàn ngành Lâm nghiệp Việt Nam”, ông Ngãi nói.

Phát biểu tại hội nghị, bà Annette Frick, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức cho rằng, các kết quả mà chương trình đạt được sẽ là những công cụ giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đàm phán trên thị trường quốc tế.

“Sự hỗ trợ của Chính phủ Đức cho ngành lâm nghiệp Việt Nam sẽ không dừng lại với sự kết thúc của chương trình mà chúng ta tổng kết ngày hôm nay. Như cam kết mới đây, công tác tư vấn cho ngành lâm nghiệp vẫn sẽ được tiếp tục”, bà Frick nói.