Phong Nha-Kẻ Bàng cần có chiến lược nghiên cứu đa dạng sinh học lâu dài

ThienNhien.Net – Ngày 17-8 ông Nguyễn Duy Lương, chuyên gia bảo tồn độc lập, thành viên người Việt Nam trong đoàn chuyên gia được UNESCO thế giới cử đến Quảng Bình thẩm định hồ sơ di sản lần 2 đối với Phong Nha-Kẻ Bàng.

Các chuyên gia đã thực địa Phong Nha-Kẻ Bàng từ ngày 12 đến ngày 16-8-2004. Sau khi kết thúc quá trình thẩm định, họ đã có cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình.

Đoàn thẩm định hồ sơ di sản lần 2 chụp hình lưu niệm tại Trạm kiểm lâm km 37 (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Đoàn thẩm định hồ sơ di sản lần 2 chụp hình lưu niệm tại Trạm kiểm lâm km 37 (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Bà Josephine Langley – chuyên gia của UNESCO – đánh giá trong quá trình làm việc ở Phong Nha-Kẻ Bàng, đoàn ấn tượng với lực lượng kiểm lâm, bởi họ đã biết kết hợp với người dân, có quy chế phối hợp với Bộ đội biên phòng mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ rừng. Từ đó, bà đánh giá, hiện tượng khai thác gỗ trái phép tại các cánh rừng giảm thiểu. Điều này đáp ứng tốt tiêu chí 9 trong tiêu chí về sinh thái do UNESCO quy định. Tuy nhiên, bà cũng đặt ra câu hỏi, vì sao bắt giữ liên quan đến vi phạm rừng nhiều nhưng số vụ bị khởi tố lại ít. Qua đó bà mong muốn địa phương có những biện pháp cương quyết, dứt khoát đối với các hành vi xâm phạm rừng ở đây.

Ghi nhận đời sống của người dân vùng đệm quanh Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bà Josephine Langley cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ rừng thì địa phương cần để họ tham gia vào phát triển du lịch một cách bài bản – điều này cũng sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học bền vững ở đây.

Liên quan đến hồ sơ di sản lần 2 đối với Phong Nha-Kẻ Bàng về tiêu chí 10 trong tiêu chí đa dạng sinh học, bà Josephine Langley khuyến cáo các cấp địa phương ở Quảng Bình cần có chiến lược nghiên cứu lâu dài về đa dạng sinh học cũng như các phương pháp bảo tồn đa dạng sinh học ở đây. Làm tốt việc này sẽ thu hút được các tổ chức, dự án quốc tế đến nghiên cứu khoa học và đầu tư dài hạn bảo tồn.

Ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, việc bảo vệ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng luôn được tỉnh chú trọng, đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, lãnh đạo Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhấn mạnh, việc bắt giữ các vụ vi phạm lâm luật nhiều nhưng khởi tố ít là do đa số các vụ vi pham đều nhỏ lẻ nên chưa đủ điều kiện khởi tố theo luật pháp Việt Nam. Vườn cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học như thành lập các câu lạc bộ bảo tồn động vật hoang dã tại các xã vùng đệm, tăng cường giám sát đa dạng sinh học đối với lực lượng kiểm lâm bằng hệ thống Smart.

Theo ông Nguyễn Duy Lương, các chuyên gia đã kết thúc thực địa khảo sát rừng. Riêng bà Josephine Langley sẽ có chuyến khảo sát hệ thống đa dạng sinh học trong hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng để có cái nhìn chính xác nhằm báo cáo với UNESCO thế giới.