Thi nhau nhổ mì “chạy úng”

ThienNhien.Net – Tây Ninh hiện có 5-6 ngàn ha mì (sắn) trồng trên vùng đất thấp đang phải thu hoạch sớm để “chạy” úng ngập sau những trận mưa nhiều. Đây là hậu quả của việc trồng mì tràn lan, mạnh ai nấy trồng, đất trồng lúa, trồng mía cũng phá bỏ để trồng mì…

Mấy ngày qua, trên các tuyến đường nông thôn tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu xuất hiện nhiều xe chở củ mì dính đầy bùn đen đem bán cho các cơ sở chế biến mì trong tỉnh. Hỏi ra mới biết nông dân đang thu hoạch sớm do trồng mì trên những vùng đất thấp, đó là những chân ruộng được canh tác theo chế độ luân canh “1 lúa 1 mì” hoặc là những vùng đất trồng mía sau khi hết chu kỳ.

Mì thu hoạch sớm của bà Nguyễn Thị Hiệp (Đông Hiệp, Tân Đông, Tân Châu, Tây Ninh) sau khi tăng bo từ ruộng ra ngoài lộ để đưa về bán cho cơ sở chế biến (Ảnh: nongnghiep.vn)
Mì thu hoạch sớm của bà Nguyễn Thị Hiệp (Đông Hiệp, Tân Đông, Tân Châu, Tây Ninh) sau khi tăng bo từ ruộng ra ngoài lộ để đưa về bán cho cơ sở chế biến (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ngày 24/7, chúng tôi đến xã Tân Phú, huyện Tân Châu, nơi đang có nhiều hộ nông dân tất bật nhổ (thu hoạch) mì sớm hơn so với thời kỳ sinh trưởng của cây (sớm khoảng 1,5-2 tháng), còn gọi thu mì non.

Ông Trần Văn Bảo, ấp 3, xã Tân Phú trồng 10 ha, cho biết, ruộng mì của ông đang bị mưa gây ngập úng hết 2/3 diện tích nên dù chưa đủ tuổi cũng phải nhổ lên để bán. “Hiện nay giá mua mì chưa tới 2.000 đồng/kg (30% chữ bột) nhưng của tui do mì thu non nên có 20 chữ bột, bán ra chưa đến 1.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tăng bo vận chuyển chỉ còn được 900 đồng/kg, xấp xỉ với giá thành, không lỗ là mừng lắm rồi”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, do thu hoạch sớm nên năng suất mì thấp hơn 20-25%. Thông thường mì của ông đạt NS từ 40-45 tấn/ha, nhưng hiện chưa đến 25 tấn/ha.

“Tổng diện tích mì cả tỉnh là 45 ngàn ha, trong đó khoảng 10 ngàn ha đất trảng, đất triền dạng đất lúa (ngập nước) trước đây trồng mía, đậu, mè và một số rau màu khác nhưng bán không có giá lắm nên người ta chuyển sang trồng mì, mỗi năm sau khi trừ chi phí thu nhập ít nhất được 20 triệu/ha.

Hiện nay, có khoảng 5-6 ngàn ha mì phải thu hoạch sớm. Nếu nhổ bán mì non tất nhiên NS thấp còn khoảng 16-17 tấn/ha (thông thường 30 tấn/ha) và chữ bột cũng không quá 20%.

Hàng năm chúng tôi đều khuyến cáo bà con trồng mì phải theo hướng luân canh bền vững, luân canh xen canh và có các biện pháp kỹ thuật cải tạo đất thích hợp”, ông Nguyễn Văn Nhân – PGĐ Trung tâm KN Tây Ninh.

Ông Nghiêm Phú Tâm, Ban Nông nghiệp xã Tân Phú, cho biết, năm 2013 toàn xã chỉ có 900 ha mì, năm 2014 tăng lên 1.680 ha, trong đó khoảng 500 ha trồng trên vùng đất trảng đang thu hoạch sớm.

“Lâu nay, ở địa phương bán mì chủ yếu cho thương lái, trước đây bình quân 60 triệu/ha, nay mì bị ngập, giá xuống họ mua còn 25-30 triệu/ha, bà con phần nhiều lỗ, ít người lời.

Diện tích mì tăng chủ yếu trên vùng đất trảng trồng mía trước đây, sau khi hết chu kỳ cây mía thì người dân chuyển qua trồng mì. Thậm chí có 50-60 ha cao su 3 năm tuổi, người ta cũng “đốn đọt” chỉ để lại thân cây trơ trọi để trồng xen cây mì”.

Chúng tôi tiếp tục đến xã Tân Đông, huyện Tân Châu, nơi cũng đang thu hoạch rộ cây mì chạy ngập.

Ông Ngô Khắc Lợi, Chủ tịch Hội nông dân dẫn đi kiểm tra thực tế một số vùng mì ở ấp Đông Thành, Đông Biên, Đông Lợi.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, ấp Đông Hiệp trồng 15 ha mì chỉ vào đống củ mì dính bùn đen nhẻm nằm phơi dưới ruộng, ngao ngán nói: “Tui nhổ 6 ha. Cách đây 1 tháng, thương lái đến trả 80 triệu/ha, tôi đòi 90 triệu mới bán.

Nay mì bị ngập, thương lái không mua, đem chở bán cho nhà máy mất một nửa, một phần do năng suất, phần khác do hàm lượng tinh bột quá thấp. Coi như vụ này chỉ huề vốn”.

“Đất này trước đây chị trồng cây gì?”, tôi hỏi. “Đây là đất lúa 1 vụ, tui luân canh 1 năm “1 lúa, 1 mì”. Tuy nhiên, gần đây do cây mì có giá nên tui bỏ luôn lúa, trồng mì được 2 năm rồi”, bà Hiệp đáp.

Ruộng mì ngập nước, trước đây trồng lúa 1 vụ (Ảnh: nongnghiep.vn)
Ruộng mì ngập nước, trước đây trồng lúa 1 vụ (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ông Trần Văn Dân, Trưởng ấp Đông Hiệp cho biết, người dân trong ấp đang rất khổ sở vì mưa làm ngập úng hư hết mì.

Ông nói: “Kêu lái đến bán đổ bán tháo nhưng không ai dám mua vì mì chưa đến tuổi, chữ bột không có bao nhiêu. Chính nhà tui bị thiệt hại mì bị ngập úng hết 5 ha. Năm rồi 1 ha lời 20 triệu, vụ này chắc thua lỗ”.

Ông Ngô Khắc Lợi tiếp lời, diện tích cây mì toàn xã đạt trên 1.300 ha, trong đó diện tích cây mì đang thu hoạch sớm phải hàng trăm ha.

Do bởi diện tích vùng chuyên canh trồng mì ở địa phương đã hết, nên nông dân chủ yếu xuống giống ở những vùng đất thấp mà người dân quen gọi là “mì ruộng”.

Trong mùa khô “mì ruộng” phát triển tốt nhưng lỡ gặp mưa nhiều, đất thoát nước kém gây ngập úng cục bộ, buộc phải nhổ sớm nếu không muốn thối củ, vì thế mà người ta đang thi nhau nhổ mì.

“Vừa qua giá mì tăng cao kéo theo giá hom giống tăng gấp 10 lần so năm ngoái. Cụ thể 1 ha trồng 100 bó, 1 bó gồm 10 cây, năm 2013 giá 5.000 đồng/bó, năm 2014 lên tới 30.000-40.000 đ/bó, ở địa phương không đủ giống nên phải mua từ các tỉnh miền Trung chở vào”, ông Lợi nói thêm.