Xem xét điều chỉnh quy trình vận hành 4 hồ chứa thủy điện lớn

ThienNhien.Net – Sáng 26/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các bộ, ngành và địa phương liên quan đã họp xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang.

Sau khi hồ Sơn La đi vào vận hành, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang chủ động trong công tác phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chính phủ đã có đủ điều kiện để quyết định xóa bỏ các khu phân lũ, chậm lũ trên hệ thống sông Hồng, đồng thời bổ sung nguồn nước về mùa cạn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất vùng hạ du.

Sau một thời gian, cùng với sự phát triển KTXH, nhu cầu năng lượng và nước phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nước sinh hoạt ngày càng tăng cao. Từ đầu năm đến nay, các hồ thủy điện đã xả khoảng 5,77 tỷ m3 nước phục vụ vụ đông xuân. Trong khi đó biến đổi khí hậu, sự phụ thuộc dòng chảy thượng nguồn khiến nguy cơ hạn hán, thiếu nước về mùa khô ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, các cơ quan quản lý thống nhất cần có sự điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chủ động hơn nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Quy trình mới đề xuất khả năng xem xét, quyết định mức dâng mực nước các hồ chứa cao hơn hiện nay trong một số trường hợp, tùy theo diễn biến, tình hình thời tiết; quy định về quyết định xả nước khi cần thiết, vận hành đảm bảo an toàn công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình trong các điều kiện cụ thể…

Cơ quan quản lý cũng đề xuất, xin ý kiến Chính phủ về một số vấn đề cụ thể trong tích nước của hồ Sơn La cuối mùa lũ, nâng mực nước trước lũ cao nhất của hồ Sơn La, sử dụng dung tích hồ để cắt lũ cho hạ du.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý chủ trương việc xem xét sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Thác Bà, Hòa Bình, Tuyên Quang với mục tiêu, ý nghĩa nêu trên. Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Một số vấn đề cụ thể liên quan cần sự tính toán, đảm bảo chặt chẽ về mặt kỹ thuật, an toàn công trình cũng như các quy định về thẩm quyền, thủ tục lấy ý kiến cần thiết.