An toàn hồ đập thủy điện Tây Nguyên: Lớn an tâm, nhỏ trăn trở

ThienNhien.Net – Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, tiếp đó Bộ Công Thương ra Quyết định số 2046/QĐ-BCT và Chỉ thị số 07/CT-BCT yêu cầu các Sở Công Thương, tập đoàn, tổng công ty, chủ đập công trình thủy điện tăng cường công tác quản lý an toàn hồ đập thủy điện.

Với 40 công trình thủy điện lớn, nhỏ, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương có nhiều công trình thủy điện nhất tại khu vực Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Tấn Hữu- Trưởng phòng quản lý điện năng (Sở Công Thương tỉnh Gia Lai): Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, tính đến đầu tháng 7/2014 ngành Công Thương đã hoàn tất việc kiểm tra về an toàn hồ đập thủy điện trên địa bàn.

An toàn hồ đập thủy điện được đặt lên hàng đầu  (Ảnh: Báo Công Thương)
An toàn hồ đập thủy điện được đặt lên hàng đầu (Ảnh: Báo Công Thương)

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Công Thương tại Thủy điện Pleikrông: Với công suất 100 MW, đây là nhà máy nhỏ so với Thủy điện Ialy (720 MW) và Thủy điện Sê san 3 (260 MW), tuy nhiên Thủy điện Pleikrông có hồ chứa lớn, thuộc vị trí xung yếu ở khu vực thượng nguồn dòng Sê San nên công tác an toàn hồ, đập thủy điện được đẩy mạnh.

Ông Đoàn Tiến Cường- Phó giám đốc Công ty Thủy điện Ialy – cho biết- để đối phó với bão lũ và có phương án bảo vệ an toàn hồ đập cho các công trình, công ty đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm. Đồng thời, từ tháng 5 đã tiến hành kiểm tra các hạng mục công trình, như: hồ chứa, cửa nhận nước, đập dâng, đập tràn, hệ thống thiết bị công nghệ…

Đập thủy điện Pleikrông được lắp các thiết bị hiện đại, bảo đảm an toàn hồ đập (Ảnh: Báo Công Thương)
Đập thủy điện Pleikrông được lắp các thiết bị hiện đại, bảo đảm an toàn hồ đập (Ảnh: Báo Công Thương)
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu các chủ đập thủy điện, thủy lợi tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của hồ chứa thủy lợi, thủy điện, công trình đê điều trước, trong và sau mùa mưa lũ. Có kế hoạch tích nước, xả lũ hợp lý cho từng công trình, tránh việc xả lũ vượt mức cho phép gây thiệt hại cho vùng hạ du đập.

Cùng với các thông số về hồ đập được ghi từ các thiết bị, hàng ngày các đội an toàn của nhà máy đều dùng ca nô kiểm tra quanh vùng lòng hồ và thân đập, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ kịp thời báo cáo, xử lý. Đặc biệt, khu vực hồ và cửa đập xả của Thủy điện Pleikrông luôn có camera giám sát mực nước và lượng xả cập nhật thông tin trực tiếp để các cơ quan chức giám sát, theo dõi.

Tại Nhà máy Thủy điện Sê San 3A (108MW), khi chúng tôi đến, các công nhân đang thực hiện duy tu, bảo dưỡng các thiết bị vận hành trên thân đập. Ông Trần Văn Xô – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sê San 3A- cho biết, công ty đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, cũng như quy định về an toàn hồ, đập thủy điện, tình hình thời tiết, bão lũ ngày càng phức tạp, không thể chủ quan.

Thời điểm hiện tại, các đập thủy điện chưa phát hiện các biểu hiện bất thường và hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn đập, hệ thống đóng – mở vận hành bình thường. Tuy nhiên, có 5 đập thủy điện bị thấm ở mức độ nhẹ, nhưng chưa đánh giá được mức độ thấm gồm: Thủy điện Ia Grai 1 và 3, Ia H’Rung, Chư Prông và Đăk Sroong 3B. Các thủy điện nhỏ hầu hết không lắp các thiết bị quan trắc, một số thủy điện sử dụng hệ thống cảnh báo xả lũ ở vùng hạ du sau đập có âm lượng nhỏ, chưa đạt yêu cầu…

Phóng viên Báo Công Thương (phải) thực tế tại hồ đập Sê San 3A (Ảnh: Báo Công Thương)
Phóng viên Báo Công Thương (phải) thực tế tại hồ đập Sê San 3A (Ảnh: Báo Công Thương)

Cùng với sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành và địa phương, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, các công ty, nhà máy thủy điện đã quan tâm hơn đến công tác an toàn hồ đập, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên thực tế, vẫn còn một số chủ đập, đơn vị thủy điện buông lỏng công tác bảo đảm an toàn hồ chứa… Chúng tôi tìm đến Thủy điện Ia Grai 1 trên địa bàn huyện Ia Grai, dù “con nước” của mùa lũ 2014 chưa đổ về khu vực này, tuy nhiên, nhìn những “hộp kỹ thuật” rỉ sét trong khu vực công trình, chúng tôi không khỏi lo ngại.

Hay như tại Nhà máy thủy điện Đăk Đoa (14 MW), mặc dù ông Phạm Văn Hùng- Giám đốc nhà máy đưa ra hàng tập tài liệu về thẩm định kỹ thuật, phương án triển khai phòng chống bão lũ hàng năm. Tuy vậy, khi đến thực tế tại hồ đập của nhà máy, các thiết bị vận hành rỉ sét và chưa có hệ thống quan trắc.