Người Khmer “sống chết với rừng”

ThienNhien.Net – Xã miền núi An Tức (huyện Tri Tôn) là nơi tập trung sinh sống của đồng bào Khmer, đồng thời cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh An Giang. Trái với hình ảnh những “lá phổi xanh” bị xâm hại nham nhở ở nhiều nơi, thời gian qua, hơn 700ha rừng trên địa bàn được giữ gìn nguyên vẹn, bởi người Khmer ở đây luôn “sống chết” với rừng…

Giữ rừng để nồi cơm không vơi

Trời vừa hửng sáng, anh Châu Sơn Mốk, ở ấp Ninh Lợi, xã An Tức, đã cùng vợ mang dao, cuốc chuẩn bị vào rừng bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Khu rừng tự nhiên nơi vợ chồng anh Mốk được Nhà nước giao khoán đất rừng nằm cách làng chừng nửa giờ đi bộ. Trên đường đi “thực địa” cùng cặp vợ chồng người Khmer này, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện ý nghĩa về việc đồng bào nơi đây giữ rừng như giữ nồi cơm của chính mình.

Chỉ tay vào khoảng trống nhỏ với những gốc cây lúp xúp nham nhở vết cháy, anh Mốk kể: “Do hỏa hoạn đó. Cách đây 2 tuần, trên đường đi làm về, một nhóm người ở ấp Ninh Lợi, trong đó có vợ chồng tui bỗng phát hiện một đám cháy đang bùng phát giữa một cánh rừng ven đường. Sau khi cử một người chạy bộ đến Trạm Kiểm lâm A Tức báo tin, tụi tui nhanh tay dùng cuốc cời lá khô, khoanh vùng để cô lập đám cháy. Cũng may đám cháy được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên không bị thiệt hại nhiều”.

Vợ chồng anh Châu Sơn Mốk chăm sóc rừng khoanh nuôi (Ảnh: Báo Biên Phòng)
Vợ chồng anh Châu Sơn Mốk chăm sóc rừng khoanh nuôi (Ảnh: Báo Biên Phòng)

Khi được hỏi, không phải “rừng nhà”, sao người ấp Ninh Lợi vẫn nhiệt tình giữ rừng, anh Mốk cho biết, từ lâu, không chỉ người Khmer ở An Tức mà khắp vùng núi rừng Tri Tôn này đều xem rừng là nguồn sinh sống. Rừng có xanh thì nguồn mạch mới tươi tốt, làng mới thịnh. Chính vì vậy, người Khmer đều tự giác giữ rừng. Hễ phát hiện có người lạ vào rừng hay có hoạt động của lâm tặc “phá hoại” cây rừng, là bất kể già trẻ, lớn bé đều tìm mọi cách báo cho lực lượng Kiểm lâm. Thậm chí, nếu bắt được quả tang hành vi phá rừng, bà con không ngần ngại hợp sức vây bắt, đưa đối tượng về UBND xã giải quyết.

“Nhờ sản vật rừng mà bà con mình kiếm được nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống. Vì vậy, phải sống chết với rừng, giữ bằng được rừng để nồi cơm của gia đình mình không bị vơi đi…” – Anh Châu Sơn Mốk kết luận như vậy rồi tiếp tục dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh khu rừng do gia đình nhận khoanh nuôi, chăm sóc. Theo hướng tay anh Mốk chỉ, chúng tôi thấy nhiều loại cây lớn với tuổi đời vài chục năm trở lên vẫn còn mang trên mình những vết thương do lâm tặc để lại. Nếu không nhờ sự phát hiện kịp thời của dân làng, có lẽ những thân cây này đã bị kẻ xấu “hóa kiếp”.

Tại khu vực đồi Tà Pạ, ở độ cao gần 300m so với mực nước biển, nằm giữa khu vực giáp ranh hai xã An Tức và Ô Lâm, chúng tôi gặp từng tốp người đang mải miết dọn cỏ, phát quang để phòng chống cháy rừng và tạo môi trường thoáng đãng cho cây rừng sinh trưởng, phát triển, đồng thời kiểm soát để ngăn chặn sự nhòm ngó của lâm tặc.

Cứ theo sự giải thích của lão nông Thạch Mươn, người tự nhận là đã có gần một đời người “sống chết cùng rừng” thì bây giờ, ở An Tức nói riêng, vùng núi rừng Tri Tôn nói chung, mỗi người dân đều là “tai mắt” trong việc phát hiện và bảo vệ rừng. Theo ông Mươn, nhờ sự đồng thuận của người dân nên những cánh rừng trong tầm quản lý của bà con được gìn giữ nguyên vẹn.

Ngược lại, dựa vào rừng, người dân cũng có cuộc sống ổn định hơn, đầy đủ hơn nhờ “lộc rừng” và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Tâm sự với chúng tôi, ông Mươn bày tỏ: “Năm nay đã xấp xỉ 70 mùa rẫy, nhưng cứ hai đến ba ngày, tui lại khăn gói vào khu rừng gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ để tham gia dọn cỏ, phát cây, quan trọng hơn là để hưởng thứ không khí mát lành dưới những tán rừng. Thấy tui nhiều tuổi, đám con cháu khuyên nghỉ ngơi nhưng tui không chịu, vì buồn cái tay, không yên cái bụng, nếu không được nhìn thấy những khu rừng được đồng bào mình chăm sóc, giữ gìn…”.

Phải biết dựa vào tai mắt của dân

Nằm ven khu vực rừng rộng lớn phía Tây dãy núi Cô Tô, những ngôi làng của người Khmer xã An Tức khá sung túc với những ngôi nhà tươm tất, sạch sẽ. Hầu như hộ nào cũng có xe máy, tivi, trâu bò, gà heo… Định canh, định cư ở đây từ rất lâu, kinh tế của người dân địa phương chủ yếu gắn với nghề rừng, cộng với việc trồng trọt và chăn nuôi.

Những năm qua, do được Nhà nước giao quyền chủ động khai thác và sử dụng các loại lâm sản tận thu được dưới tán rừng nên cuộc sống của đồng bào thay đổi hẳn, số hộ khá tăng dần lên. Để việc bảo vệ rừng đạt hiệu quả, toàn bộ diện tích rừng đều được quản lý thống nhất bởi chính quyền huyện, xã. Căn cứ thực tế về số lao động và khả năng của từng hộ trong làng, ban ngành chức năng sẽ giao mức khoán hợp lý, căn cứ vào bình xét công khai đối với từng hộ.

Theo báo cáo của Trạm Kiểm lâm An Tức, cái thuận lớn nhất trong công tác bảo vệ rừng là đồng bào Khmer trên địa bàn rất nhiệt tình và tự giác trong việc giữ rừng. Điều này cũng dễ hiểu, vì từ khi thực hiện cơ chế khoán bảo vệ rừng, người dân địa phương rất phấn khởi, có trách nhiệm và ý thức hơn trong việc quản lý và bảo vệ rừng, bởi họ được hưởng các chế độ và hưởng lợi nhiều từ rừng, đời sống ngày càng được nâng cao.

“Cũng chính nhờ sự “có đi có lại này” mà công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng với các hộ nhận khoán được duy trì thường xuyên, nhiều vụ vi phạm lâm luật kịp thời được ngăn chặn. Do vậy, rừng được bảo vệ tốt hơn và các chủ rừng cũng gặp nhiều thuận lợi hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng…” – Anh Danh Hây, nhân viên Trạm Kiểm lâm An Tức chia sẻ với chúng tôi.

Theo anh Hây, vào thời vụ chăm sóc, vệ sinh rừng, chính quyền xã An Tức và Trạm Kiểm lâm thường huy động bà con cùng tham gia, vào các thời điểm khác, ngày nào cũng phân công từ một đến hai nhóm vào rừng tuần tra, canh gác. Khi phát hiện có lâm tặc, các thành viên trong nhóm liên hệ với nhau bằng điện thoại di động, tập trung lại để ngăn chặn hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức ngăn chặn.

“Muốn giữ được rừng, lực lượng Kiểm lâm phải phải biết dựa vào tai mắt của dân. Ở An Tức, hầu hết người dân đều có ý thức giữ rừng. Đặc biệt, có những người cao tuổi như ông Thạch Mươn, ông Châu Bé, ngày nào cũng “đi tuần” trong các cánh rừng để tuyên truyền, nhắc nhở bà con không hút thuốc, đốt tổ ong, đốt lửa trong rừng hay chặt phá cây rừng…

Chính nhờ những “tai mắt” này mà công tác bảo vệ rừng luôn đạt hiệu quả cao, thời gian qua chưa xảy ra vụ cháy nào đáng kể, dù phần lớn diện tích rừng vào mùa khô thường nằm trong khu vực báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm…” – Anh Danh Hây nhấn mạnh thêm.