Tổng lực chống bão

ThienNhien.Net – Lãnh đạo TP Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình cho biết, các lực lượng chức năng và người dân đã rất chủ động chống chọi với bão Thần Sấm – cơn bão số 2 được dự báo là cực mạnh. Cho dù cho tới 20h ngày 18-7, bão số 2 vẫn chưa đổ bộ (theo dự báo rạng sáng ngày 19-7 sẽ vào đất liền), tuy nhiên công tác phòng chống cứu hộ đã được chuẩn bị ở mức cao nhất.

Quảng Ninh, Hải Phòng: Hồi hộp đợi bão

Không còn cảnh tấp nập vào ra tại các cảng cá tại vùng tâm bão Quảng Ninh bởi đến cuối giờ chiều hôm qua (18-7) toàn bộ tàu thuyền, người dân sống ở những nơi xung yếu đã được di chuyển đến nơi an toàn.

Tại Cô Tô, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cho tới chiều 18-7 công tác chống bão đã hoàn tất. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành cho biết, tất cả các đê, nơi xung yếu đã được gia cố. 300 phương tiện ra khơi đã được các lực lượng chức năng tuyên truyền trở về nơi tránh trú an toàn. Cán bộ huyện cũng đã đến từng hộ kinh doanh dịch vụ du lịch vận động du khách ở lại trên đảo để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra khi họ cố tình trở về đất liền trong khoảng thời gian này.

190714_bao1Chiều 18-7, tại huyện Vân Đồn công tác phòng chống bão cũng đã hoàn tất. Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Bùi Văn Cẩn cho biết, công tác phòng chống bão số 2 đang được triển khai khẩn trương. Rút kinh nghiệm cơn bão Haiyan năm ngoái đã làm thiệt hại tài sản của ngư dân trên vùng biển, Ban Phòng chống lụt bão của huyện đã cử cán bộ đến từng hộ dân vận động chằng chống tài sản, nhất là các lồng bè hải sản trong khu vực vịnh Bái Tử Long.

Trên khắp các ngả đường, người dân cùng chính quyền địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối. Tại những chòi canh, nhà ngói tạm ở khu vực ven cảng Cái Rồng, người dân tập trung chuyển bao cát, gỗ tươi chồng lên trên mái chống bão. Trưa 18-7, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đã trở về neo đậu an toàn trong cảng, bên cạnh đó lồng bè nuôi cá của người dân cũng được di dời đến vị trí an toàn.

Tại TP Móng Cái, sau khi nhận được lệnh từ UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan dừng những cuộc họp không quan trọng trong ngày ngày 18 và 19-7, tập trung phòng chống lụt bão, địa phương này cũng đã cấp tập công tác chống bão. Trung tá Nguyễn Quang Hòa, Đồn phó Đồn biên phòng Móng Cái cho biết đơn vị đã xây dựng kế hoạch và quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ phương án phòng chống cơn bão số 2. Trước hết, xác định quân số là đảm bảo 100%, đơn vị chuẩn bị phương tiện gồm 2 xuồng, một ô tô. Cùng đó, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã trao đổi, làm việc với trạm kiểm tra biên phòng Đông Hưng (Trung Quốc) phối hợp khi có tình huống tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên sông biên giới, yêu cầu nước bạn tạo điều kiện cho lực lượng biên phòng Việt Nam hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Tại Hải Phòng, tuy dự báo bão số 2 nếu có đổ bộ cũng có thể không mạnh bằng vào Quảng Ninh, tuy nhiên lãnh đạo TP đã ráo riết chủ động chống bão. Theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, từ 14 giờ ngày 18-7, TP đã triển khai cấm biển, các hoạt động tắm biển, tàu du lịch, tàu vận tải Hải Phòng – Cát Bà và ngược lại. Trước 16 giờ ngày 18-7 đã hoàn thành sơ tán, di dân khỏi vùng xung yếu; kêu gọi toàn bộ tàu thuyền hoạt động ven bờ, di chuyển lồng, bè và đưa dân ở các chòi canh, lồng bè về nơi an toàn. Hải Phòng cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống bão tại các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, quận Đồ Sơn và khu vực nội thành. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thành- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống bão số 2 tại huyện Kiến Thụy; cụ thể là tại bến neo đậu Quan Chánh, xã Đại Hợp cùng công trình kè đường du lịch từ Đồi Độc đến khu 1 Đồ Sơn và bến cá Ngọc Hải.

Đối với đợt bão này, Hải Phòng thực hiện theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả”. Tinh thần chủ động được thực hiện ở mỗi gia đình, mỗi người dân. TP thực hiện chủ trương “nắm từng nhà, rà từng hộ” để triển khai phòng, chống bão.

Chiều tối 18-7, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng cho biết, các phương tiện hoạt động ven bờ đều đã neo đậu ở các khu vực vịnh Lan Hạ, bến Bèo, cửa sông Lạch Huyện của huyện đảo Cát Hải, cửa sông Văn Úc, sông Thái Bình. Như vậy, TP Hải Phòng không còn phương tiện và lao động nào hoạt động xa bờ.

Còn tại trung tâm TP Hải Phòng, cho tới chiều 18-7, Công ty TNHH MTV Thoát nước đã hoàn thành việc hạ mực các mương hồ điều hòa đến mức nước đệm, bảo đảm khả năng trữ nước khi có mưa lớn cùng nước biển dâng; đồng thời chạy thử các trạm bơm tiêu thoát, chuẩn bị đủ vật tư, khắc phục ngay những hư hỏng để bảo đảm khả năng vận hành kể cả khi mất điện; bảo đảm tiêu thoát nước cho nội thành ở mức nhanh nhất khi có mưa lớn.

Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, các phương án phòng, chống bão số 2 đã hoàn tất kể từ ngày 17-7. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn huyện cùng Đồn Biên Phòng Bạch Long Vỹ và các lực lượng trên địa bàn huyện đã khẩn trương đưa tàu thuyền về đất liền và đưa những phương tiện dưới âu cảng lên bờ tránh bão. Số ngư dân và bà con làm nghề dịch vụ tại âu cảng được vận động lên bờ tránh trú bão tại Ban Quản lý Cảng, Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ, Liên đội TNXP và được bảo đảm chỗ ăn nghỉ, lương thực, nước uống đầy đủ.

Nam Định, Thái Bình: Tập trung di dời dân

Theo Đại tá Trần Hữu Hiệu-Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định, dọc tuyến biển của tỉnh có 732 lều, chòi/881 lao động trông coi các đầm bãi nuôi trồng thủy hải sản. Chấp hành lệnh sơ tán của chính quyền tỉnh, đến 16 giờ ngày 18-7 tất cả đã được yêu cầu vào bờ.

Theo Ban Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ở 3 huyện ven biển của Nam Định hiện có khoảng khoảng 9000 dân đang sinh sống, làm việc tại các khu vực nguy hiểm. Tỉnh đã lên kế hoạch, trong trường hợp cần thiết sẽ phát lệnh di dời. Trong đó, huyện Giao Thủy sẽ thực hiện di dời 3.600 người, gồm 100 người dân xóm Tân Hồng, xã Giao Thiện đang sinh sống ngoài đê biển; 1000 dân tại khu vực bãi tắm Quất Lâm; 2500 người tại đê Điện Biên, gần Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Huyện Nghĩa Hưng thực hiện di dời khoảng 3000 người, trong đó có hơn 2000 người đang sinh sống trong 500 ngôi nhà tạm, nhà yếu, số còn lại đang sống, làm việc tại các khu vực ngoài bãi sông, ven biển. Huyện Hải Hậu di dời 2000 dân tại khu vực bãi tắm Thịnh Long và khu vực đầm tôm ở xã Hải Đông…

Tuyến đê xung yếu Cồn Xanh (Nghĩa Hưng, Nam Định)  được gấp rút gia cố
Tuyến đê xung yếu Cồn Xanh (Nghĩa Hưng, Nam Định)
được gấp rút gia cố

Còn tại Thái Bình, cùng với việc thông tin, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú, trong ngày 18-7, tỉnh Thái Bình đã tập trung cao độ cho công tác di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Trong đó, tại huyện ven biển Tiền Hải, các lực lượng của địa phương đã thực hiện nghiêm phương án di dời hơn 240 hộ với 735 nhân khẩu đang sống ngoài đê quốc gia và ngoài vùng xung yếu, trong đó có 6 hộ dân với gần 30 nhân khẩu tại xã Đông Long vào khu vực an toàn trong đê. Huyện Tiền Hải có 1.452 chòi coi ngao ngoài biển với 1.494 nhân khẩu.

Ghi nhận của phóng viên, trong ngày 18-7, người dân tại các địa phương ven biển trong huyện Tiền Hải đều tích cực chằng chống nhà cửa, sơ tán đồ đạc, tài sản…Tại huyện Thái Thụy, đến sáng ngày 18-7 đã có 440 tàu thuyền với 1.347 ngư dân về bờ neo đậu. Trong ngày, hơn 1.478 lao động nuôi trồng thủy sản và 317 hộ sinh sống ngoài đê cũng được huyện tập trung chỉ đạo di dời…

Ngành Điện lực Thái Bình cũng đã lên kế hoạch cắt điện đối với khu vực bị ngập lụt, nguy cơ bị ngập lụt để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân khi bão đổ bộ vào. Trong khi đó, Viễn thông Thái Bình cũng đang ứng trực 24/24 giờ, xây dựng các phương án ứng phó cụ thể, đảm bảo thông tin thông suốt khi bão đổ bộ…

Đề phòng sự cố sạt lở, lũ quétChiều 18-7, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục ra công điện gửi Ban chỉ huy PCLB&TKCN 24 tỉnh, thành phố từ Nam Định đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, cùng các bộ ngành liên quan về công tác phòng chống bão số 2.Công điện nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 2 (Rammasun) nên từ đêm 18-7 ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình có khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ từ 4-6m ở thượng lưu, từ 2-4 m ở hạ lưu.

Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra Ban chỉ đạo PCLB Trung ương – Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các bộ ngành theo dõi chặt chẽ diến biến mưa lũ, triển khai công tác phòng chống, rà soát, kiểm tra, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở vùng trũng thấp, ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu dân cư đang có diễn biến sạt lở biết thông tin để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; tổ chức kiểm tra đê điều, hồ, đập, các công trình đang thi công trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố đảm bảo an toàn công trình… Các địa phương cần sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
K.LY